Cần sự vào cuộc của các sở ngành để thực hiện quy hoạch đất cho giáo dục

(VOH) - Sáng 25/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định số 02/2003/QĐ-UB về phê duyệt quy họach phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP.

Đến dự hội nghị có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ; ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM.

Giai đoạn 2003-2020 Thành phố có 2.366 trường (tăng so với 2003 là 1.047 trường), trong đó, nhiều nhất là bậc Mầm non: tăng 823 trường so với năm 2003. Trong giai đoạn này, do Luật cư trú mới được áp dụng nên bình quân hàng năm số học sinh tăng khoảng 50.000 em. Trong đó, tăng nhanh tại các địa phương đô thị hóa nhanh, và tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp như Quận 7, Quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thành phố Thủ Đức và Huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Đến hết năm 2020, số học sinh đã tăng 1,63 lần và số phòng học đã tăng 2,06 lần so với năm 2003. Đến thời điểm hiện tại Thành phố đạt  tỷ lệ 292 phòng học/1 vạn dân. Tuy nhiên, diện tích đất giáo dục đúng quy hoạch hiện hữu tại các quận huyện đến nay chỉ đạt 57,8% so với quy hoạch được phê duyệt. Cụ thể, chỉ có hơn 1.100 ha so với hơn 1.900 ha được phê duyệt theo Quyết định 02. Diện tích đất cần bổ sung cho giáo dục là hơn 800 ha. Đặc biệt, khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu học sinh học 2 buổi/ngày, việc không có quỹ đất để triển khai các dự án trường học góp phần làm gia tăng áp lực về sỉ số học sinh, gây khó khăn trong việc triển khai chương trình.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu thực trạng: "Trong thời gian qua, việc thực hiện Quyết định 02 gặp một số khó khăn do việc quy hoạch đất là đất các tổ chức, cá nhân đang sử dụng, là đất ở hoặc đất công trình; muốn thu hồi phải thương lượng, thoả thuận, đền bù gây khó khăn và kéo dài. Vì vậy, nhiều khu vực quy hoạch dù đã được phê duyệt nhưng không thể triển khai xây dựng trường học được." 

Thực hiện chủ trương sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn Quận 8 thời gian qua cũng gặp một số khó khăn do địa bàn rộng trải dài, bậc mầm non có số điểm trường lẻ nhiều, phần lớn cải tạo từ nhà dân. Cơ sở vật chất, đất đai, tiến độ đầu tư xây dựng một số trường còn chậm, khó mở rộng quỹ đất...Mặc dù vậy, mạng lưới trường lớp trên địa bàn những năm qua đã phát triển nhanh đặc biệt là xoá bỏ các điểm lẻ các trường mầm non, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đến nay, toàn quận có trên 90 trường học các cấp. Trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia, 3 trường xây dựng mô hình tiên tiến, hội nhập.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Quận 8 thông tin thêm: "Công tác xã hội hoá giáo dục đã tác động nhất định đến việc tăng cường các trang thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương. UBND Quận 8 thực hiện trao thêm quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Mức độ tự chủ của các đơn vị được giao căn cứ theo mức tự đảm bảo kinh phí thường xuyên, khả năng huy động sự đóng góp của xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, xã hội hoá các nguồn lực thực hiện. Tù đó, tạo được nhiều chuyển biến, tạo thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp chủ động hơn trong hoạt động, nâng cao chất lượng đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách."   

Cần sự vào cuộc của các sở ngành để thực hiện quy hoạch đất cho giáo dục 1
Ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ông Lê Hoà Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố khẳng định TPHCM luôn chú trọng việc quy hoạch và phát triển mạng lưới trường học nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Phó chủ tịch cũng đánh giá cao nỗ lực của các ngành giáo dục - đào tạo và địa phương, sở ngành trong suốt gần 20 năm thực hiện quyết định 02 về quy hoạch phát triển mạng lưới trường học. Đồng thời, ông đề nghị các quận huyện và Thành phố Thủ Đức rà soát quy hoạch phân khu song song với quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn 2060, trong đó có quy hoạch giáo dục. Quy hoạch này cần phù hợp với đặc điểm từng khu vực dân cư. "Thực tiễn dạy cho chúng ta, điều gì sát sao với cuộc sống người dân mới có thể phát triển. Không đâu bằng địa phương, để phát triển được hệ thống giáo dục, con em có đến trường được không phụ thuộc rất nhiều vào các ban thường vụ các quận huyện uỷ. Thời điểm hiện tại đang rất thuận lợi khi đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của Thành phố. Điều chỉnh chứ không phải lập quy hoạch mới. Thành phố cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành: giao thông, tài nguyên, kế hoạch đầu tư, xây dựng...cùng với ngành giáo dục thực hiện", ông Lê Hòa Bình đề nghị.  

Phó chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tích cực phối hợp với các sở khác, các chủ đầu tư. Quá trình rà soát quy hoạch không chạy theo con số mà phải đảm bảo chất lượng cũng như cần có biện pháp chế tài với các nhà đầu tư đã được giao đất nhưng chậm trễ trong triển khai thực hiện.

Bình luận