Cháy trên địa bàn thành phố vẫn phức tạp

(VOH) - Sáng 30/1, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, nhất là lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ.

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biết phức tạp, đặc biệt, trong các vụ cháy, nổ thì số người chết và bị thương tăng hơn so với 2016.

Diễn tập phòng cháy, chữa cháy

Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, trong nằm 2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 1.270 vụ tai nạn và sự cố liên quan đến cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ.

Trong đó, đã xảy ra 1.000 vụ cháy, làm 26 người chết, bị thương 44 người. Tuy số vụ cháy so với năm 2016 giảm nhưng số người thiệt mạng và bị thương do cháy lại có chiều tăng cao. Tổng thiệt hại tài sản từ các vụ cháy, nổ gần 93 tỷ đồng. 

Nói về nguyên nhân dân dẫn đến các vụ cháy làm thiệt về người và tài sản tăng cao trong năm 2017, Đại tá Đoàn Văn Chón - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố cho rằng: “Các vụ cháy gây thiệt hại về người xảy ra chủ yếu tại nhà ở hộ gia đình hoặc nhà ở kết hợp với kinh doanh sản xuất.

Các vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản chủ yếu ở doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa, chiếm đến 70%. Nguyên nhân chủ yếu là thiết bị điện, chiếm hơn 54%”.

Ngoài ra, trong năm 2017, lực lượng cảnh sát PCCC thành phố cũng đã tham gia cứu nạn - cứu hộ hơn 260 vụ và cứu được 166 mạng người. Bên cạnh đó, trong năm qua, cảnh sát PCCC thành phố đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trong tâm và tổ chức nhiều đợt kiểm tra chuyên đề về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các công trình cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại; các cơ sở có nguy cơ nguy hiểm dễ dẫn đến cháy, nổ,… các cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke; cơ sở sản xuất, kinh doanh  hóa chất ngành công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Một vụ cháy ở khu dân cư

Cũng qua kiểm tra, lực lượng cảnh sát PCCC thành phố đã phát hiện hơn 12.000 lỗi vi phạm, lập biên bản trên 10.000 vụ việc vi phạm hành chính về an toàn phòng cháy với số tiền xử phạt gần 9 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong năm 2017, lực lượng cảnh sát PCCC đã điều động hơn 1.000 lượt xe chữa cháy và gần 6.800 lượt cán bộ - chiến sĩ tham gia bảo vệ an toàn cháy nổ ở các sự kiện trên địa bàn thành phố,…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và theo đánh giá thì tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố trong năm 2017 cũng như thời gian gần đây còn diễn biến phức tạp, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy đối với các hộ kinh doanh cá thể, phố chợ, các hộ dân vừa làm nhà ở vừa làm nơi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập điều này đã được

Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố, đại tá Đoàn Văn Chón chỉ ra: ”Tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, người đứng đầu nhiều doanh nghiệp, cơ sở chưa thật sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ như: một số chung cư cao tầng chưa được nghiệm thu về phòng cháy nhưng đã cho người dân vào sinh sống.

Nhiều hạng mục công trình không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ nhưng vẫn được sử dụng”.

Để xảy ra thực trạng này, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là mấu chốt. Cụ thể, hiện nay có một chung cư chưa thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC, đặc biệt có những chung cư chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã bố trí các hộ dân vào ở gây tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mất an toàn cao.

Đại tá Nguyễn Văn Băng - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố nói: “Cảnh sát PCCC cũng đã phối hợp với quận, huyện, sở ngành để giải quyết vấn đề này đồng thời đã báo cáo UBND thành phố nhưng thực trạng này hiện nay vẫn chưa giải quyết được.

Một số chủ đầu tư coi thường pháp luật, khi có đoàn kiểm tra thì không tiếp lấy lí do là các anh chỉ được kiểm tra 1 lần trong năm thôi, không được kiểm tra nhiều. Bây giờ các anh kiểm tra lần 2 chúng tôi không tiếp.

Cho nên hiện tại còn tồn tại 8 chung cư đã đưa người dân vào ở. Hiện tượng số lượng nhà trọ nhiều, nhiều khu xây dựng với quy mô lớn nhưng nhà trọ lại không thuộc diện đối tượng thẩm quyệt PCCC. Vì vậy, tình trạng quản lý khu vực nhà trọ cũng phức tạp”.

Đặc biệt, thành phố tồn tại rất nhiều các cơ sở thuộc diện nguy hiểm về nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập bất cứ lúc nào nhưng hoạt động không phép. Theo khảo sát và thống kê của cảnh sát PCCC chỉ tính riêng trên địa bàn mỗi quận - huyện hiện có trên 100 cơ sở kinh doanh karaoke, gas, xăng dầu, phế liệu nhưng không có giấy phép hoạt động,…

Đây là những con số rất đáng lo ngại tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ những bất cập và tồn tại trong công tác phòng cháy, chữa cháy đã nói ở trên, bước vào năm 2018, để công tác đảm an toàn phòng chống cháy, nổ, cứu nạn - cứu hộ trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, từ đầu năm, lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch cùng với các giải pháp cụ thể.

Mục tiêu là kiềm chế kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt nghiêm trọng và kéo giảm 10% số cháy nguyên dân do điện gây ra. Nói về nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa chát trong năm 2018, thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng - Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: ”Ngày 2/2/2018 tới, lãnh phố thành phố sẽ kiểm tra, chỉ đạo và phê duyệt chương trình kế hoạch của Cảnh sát PCCC năm 2018. Trong đó, tất cả nội dung sẽ bám vào Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Nghị quyết của Thành ủy, HĐND, chương trình hành đồng, kế hoạch của UBND thành phố thì Cảnh sát PCCC sẽ có kế hoạch sát với vấn đề kinh tế, góp phần phát triển thành phố năm 2018”.