Chợ truyền thống cần giải pháp phục hồi trong giai đoạn bình thường mới

(VOH) - Đến thời điểm này hầu hết các chợ truyền thống đã mở cửa trở lại và là tín hiệu đáng mừng cho các tiểu thương kinh doanh cũng như người dân.

Trong bối cảnh TPHCM trên đà thích ứng và phục hồi kinh tế, trở lại trạng thái bình thường mới, các hoạt động kinh doanh sản xuất đã và đang dần phục hồi, trong đó thì không thể không nhắc đến các chợ truyền thống trên địa bàn. Đến thời điểm này hầu hết các chợ truyền thống đã mở cửa trở lại và là tín hiệu đáng mừng cho các tiểu thương kinh doanh cũng như người dân. Tuy nhiên, một vấn đề cần nhìn nhận là sau nhiều tháng khó khăn vì dịch, người dân đã dè dặt và thắt chặt hơn trong chi tiêu hàng ngày, nên sức mua hiện tại với chợ truyền thống vẫn khá yếu, đồng thời nắm được tâm lý người dân ngại đám đông, tiết kiệm chi tiêu…các chợ tự phát đã mọc lên như “nấm sau mưa” vào thời điểm này, khiến hoạt động của chợ truyền thống chưa thể phục hồi. Do đó, để giải quyết bài toán này, chúng ta cần phải có những giải pháp và định hướng cụ thể. Chia sẻ từ chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong xoay quanh vấn đề phục hồi kinh doanh chợ truyền thống đến Diễn đàn TPHCM thích ứng và phát triển

 


Trong bối cảnh hiện nay thì việc phục hồi chợ truyền thống cũng như phát triển thêm các loại hình thương mại khác là cần thiết để đảm bảo không bị đứt gãy những chuỗi hàng hóa dịch vụ thiết yếu, đặc biệt là những hàng tiêu dùng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của người dân, thì trong bối cảnh như vậy thì rõ ràng chợ truyền thống là một trong những thể chế đi đầu để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên do thực tiễn một là tình trạng chợ không thật đầy đủ, không thật bố trí hợp lý trong thực tiễn địa phương, hai là nhu cầu mua bán của người dân ngày càng tăng, ngại đi xa do đó các chợ tự phát cũng mọc lên rất nhiều và cạnh tranh với các chợ truyền thống, thì đây là một khó khăn đồng thời cũng là một áp lực để buộc các chợ truyền thống phải thay đổi cũng như cơ quan chức năng phải có sự cân nhắc, chú ý điều chỉnh. Để khắc phục tình trạng này, đảm bảo chợ dù là truyền thống hay hiện đại cũng như các phương thức chợ khác đáp ứng được nhu cầu của người dân cách lành mạnh, tuân theo các quy định chung của pháp luật thì chúng tôi cho rằng trước hết các địa phương cần có quy hoạch chợ một cách hết sức thận trọng, trên tinh thần khách quan cũng như tuân theo những quy chuẩn về chợ đã ban bố, thứ hai là khi đã thành lập chợ thì phải xây dựng chợ thật chuẩn và có cơ chế quản lý để đảm bảo chợ đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của người dân, tránh trường hợp chợ biến thành một nơi mà người dân ngại mua bán, ngại vào mà họ muốn mua bán ở chợ tự phát để thuận tiện, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 này, do đó phải bố trí sao đó để các chợ đảm bảo tính an toàn trong mua sắm, tính thuận lợi trong đi lại cũng như thăm thú của người dân; Thứ ba nữa là đối với những chợ tự phát thì cần có những biện pháp kiên quyết hơn, trước đây thì chúng ta ít nhiều vẫn có sự cả nể và dẹp theo kiểu hình thức, nếu chúng ta có quy hoạch chợ tốt, đáp ứng được yêu cầu bán hàng của người dân cũng như là có chế tài phạt một cách khách quan, chống bảo kê, chống cả nể thì chúng tôi tin rằng chợ sẽ đi vào hoạt động theo quy cũ; Cuối cùng là việc thông báo về các chợ cũng như các thông tin cần thiết có liên quan về dịch vụ chợ và các chế tài xử lý cũng rất cần thiết;

Chợ truyền thống cần giải pháp phục hồi trong giai đoạn bình thường mới 1
Một góc chợ những ngày thành phố chưa bùng phát COVID-19. Ảnh minh họa: PN

Tôi muốn lưu ý là chợ tự phát chỉ có thể tồn tại và phát triển khi số người mua bán ngoài nội đô vào bán là chủ yếu, thì mình phải bố trí cho họ những khoảng trống cần thiết trong chợ truyền thống để họ có chỗ bán hàng, như vậy sẽ dẹp bớt được tình trạng chợ tự phát mọc lên bởi những người bán này; Và bên cạnh những biện pháp tổ chức của nhà nước thì bản thân các tiểu thương trong chợ truyền thống cũng cần phải thay đổi những dịch vụ, trước hết là họ phải bày hàng sao cho đẹp mắt, thuận lợi, đảm bảo vệ sinh cũng như đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, thứ hai là thái độ phải mềm mỏng dễ chịu hơn, có ứng xử văn hóa, đặt mình trên cương vị của người mua để có những ứng xử phù hợp cả về giá cả dịch vụ.

Cuối cùng là việc phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo những yêu cầu quản lý nhà nước, từ đó tạo ra một lợi thế vượt trội so với chợ tự phát về chất lượng lẫn giá cả cũng như các tiện lợi khác, thì chắc chắn chợ truyền thống sẽ giữ được vị trí và ngày càng phát triển.

Có thể thấy, để chợ truyền thống và các chợ đầu mối trở lại hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh bình thường mới, chúng ta cần có phương án mới, không đơn thuần như trước đây. Ngoài đảm bảo nguồn cung hàng hóa thì các địa phương cũng cần tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương, hộ kinh doanh, trong đó có phương án xử lý tình trạng chợ tự phát. Dù hiện lượng khách chưa nhiều, tiểu thương có tâm lý ngại mở bán nhưng vẫn nên xem xét các phương án tăng quy mô hoạt động; trong đó ngoài mặt hàng lương thực thực phẩm, nên khuyến khích thêm các mặt hàng không thiết yếu khác. Đặc biệt, luôn đảm bảo các quy định phòng chống dịch theo bộ quy tắc của Thành phố đã ban hành.

Bình luận