Chuyên gia chỉ ra 26 nguyên nhân gây chậm tiến độ thi công dự án tại TPHCM

VOH - Qua nghiên cứu, các chuyên gia đã chỉ ra 26 nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ thi công nhiều dự án tại TPHCM.

Ngày 16/5, Hội nghị Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải lần thứ V - cấp Quốc gia đã được tổ chức tại Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM.

Hội nghị thu hút 125 bài tham luận từ các nhà khoa học thuộc 05 lĩnh vực chính, bao gồm: Kỹ thuật xây dựng và môi trường, Điện – Điện tử – Công nghệ thông tin; Cơ khí động lực – Khoa học hàng hải, Kinh tế – Quản lý, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

chậm tiến độ
Chuyên gia chia sẻ ý kiến tại hội nghị - Ảnh: HL

Nghiên cứu về vấn đề chậm tiến độ tại các dự án đầu tư xây dựng ở TPHCM, các giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM và trường Đại học Xây dựng Miền Trung đã chỉ ra 26 nguyên nhân gây chậm tiến độ.

Nhóm nhân tố liên quan đến chủ đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng chậm, chậm thanh toán cho nhà thầu… góp phần lớn dẫn đến trễ tiến độ dự án. Cụ thể, giải phóng mặt bằng là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều dự án. Nhiều dự án có vốn hàng trăm tỷ đồng đã vướng phải vấn đề giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.

Xem thêm: Nhiều dự án giao thông giao địa phương chậm tiến độ

Ví dụ, dự án cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001. Đến năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1. Hơn 10 năm sau, tháng 8/2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11/2019. Sau đó dự án lại vướng mặt bằng. 

Tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè mới giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - Ban giao thông.

Sau 6 tháng kể từ khi nhận mặt bằng, Ban giao thông đã gấp rút thi công. Đến nay tiến độ dự án này đã đạt 70%. Dự kiến công trình sẽ được đưa vào hoạt động dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay…

Các nhóm nhân tố về vật tư cũng chiếm một phần ảnh hưởng không nhỏ. Việc tiếp cận với nguồn cung trong thời gian gần đây thật sự khó khăn khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và xung đột chính trị xảy ra giữa các nước. Điều này góp phần làm cho việc cung ứng vật tư, thiết bị gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, giá cả của vật tư cũng là một vấn đề đáng lưu ý khi nhìn chung giá cả của vật liệu xây dựng đều tăng mạnh.

Kết quả phân tích cũng chỉ ra lực lượng lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình. Trong tình hình vừa qua, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, điều này được thể hiện rõ thông qua việc thiếu hụt một lượng lớn lao động.

Bên cạnh đó, trình độ lao động sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. Nếu chất lượng không đảm bảo, việc nghiệm thu sẽ phải tiến hành lặp lại nhiều lần cũng rất dễ đến làm chậm tiến độ.

Cuối cùng, nhóm các nhân tố bên ngoài, bao gồm chậm trễ trong việc phê duyệt, thay đổi các quy định pháp luật liên quan đến ngành xây dựng… được xem là nhân tố có mức độ ảnh hưởng thấp nhất trong 6 nhân tố được xem xét…

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải lần thứ V là dịp để các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các giảng viên nhìn lại các hoạt động khoa học công nghệ, chia sẻ thông tin về các thành tựu mới trong khoa học công nghệ, mô hình đào tạo, quản lý, định hướng phát triển giao thông vận tải theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý như: Các giải pháp phát triển đường sắt tại Đồng bằng sông Cửu Long; Chuyển đổi số và các tác động đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics tại việt nam; Nghiên cứu rào cản trong việc thực hiện các dự án đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam…

Bình luận