Có nên chuyển một phần đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ ?

(VOH) - Đó là vấn đề mà Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt ra tại buổi gặp gỡ 120 đại biểu trí thức thành phố diễn ra sáng 28/5.

Theo Bí thư, TPHCM có giá trị gia tăng dịch vụ - công nghiệp chiếm tỷ trọng trên 99%, còn nông nghiệp chỉ chiếm 1% cơ cấu. Trong khi đó, diện tích đất phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 6,8%, còn hơn 56% là đất nông lâm ngư nghiệp.

Tương ứng, 1 hecta đất công nghiệp, dịch vụ tạo ra gần 51 tỷ đồng giá trị gia tăng, còn 1 hecta đất nông nghiệp chỉ tạo ra 55 triệu đồng giá trị gia tăng. Như vậy, trên cùng một diện tích đất, giá trị tạo ra từ công nghiệp, dịch vụ gấp hơn 900 lần so với nông nghiệp. Ngoài diện tích rừng, khu vực sinh thái, đất ven biển, nên chăng chuyển một phần đất nông nghiệp thành đất phát triển công nghiệp dịch vụ? 

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích: "Nếu chúng ta dùng đất công nghiệp để tạo thu nhập như toàn bộ nông nghiệp thành phố hiện nay thì chỉ cần 127 ha trong khi nông nghiệp đang sử dụng 118.000 ha.

Giả sử, dành 1/3 đất nông nghiệp chuyển sang công nghiệp dịch vụ sẽ tạo ra quỹ đất để có 2,73 lần GDP thành phố bây giờ. Như vậy, đất rất thiếu, nhưng tiềm năng còn đó chứ không phải chạy sang tỉnh khác.

Phần thuế gia tăng ở phần đất nếu chuyển sang dịch vụ thì có thể nuôi toàn bộ người làm nông nghiệp với mức sống khác hẳn bây giờ".

Bí thư Thành ủyNguyễn Thiện Nhân đặt ra tại buổi gặp gỡ 120 đại biểu trí thức thành phố

Bên cạnh đó, theo Bí thư, tăng trưởng GDP thành phố còn được đóng góp từ năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động trong sản xuất kinh doanh của thành phố cao gấp 3 lần cả nước, trong dịch vụ quản lý nhà nước cao hơn 2 lần bình quân cả nước.

Tỷ lệ lao động trình độ cao của thành phố gấp 2,6 lần so với cả nước. Nếu bình quân cả nước, 1 công chức phục vụ cho 340 người dân, thì tại thành phố 1 công chức phục vụ cho 700 người dân. Nguồn lao động có trình độ cao là nền tảng tiềm lực để xây dựng phát triển thành phố. Xây dựng thành phố thông minh rất cần những công dân thông minh.

Theo PGS. TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, Đại học Bách Khoa TPHCM, để xây dựng thành phố thông minh, TPHCM cần giải quyết những vấn đề như cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ thông tin. Chương trình về một thành phố thông minh sẽ không thành công nếu thiếu đóng góp của trí thức.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp, giao thoa của nhiều chuyên ngành, là cơ hội cũng như thách thức lớn cho sự phát triển. Thành phố cần quan tâm đầu tư một số chương trình trọng điểm với những đại học hàng đầu trên địa bàn, qua đó giải quyết các vấn đề lớn của thành phố.

"Người ta nói thế kỷ 19 là thế kỷ của những đế quốc, thế kỷ 20 là quốc gia, còn thế kỷ 21 là của những thành phố. Làm sao thành phố chúng ta không chỉ là thành phố đáng sống để người ta đến mà còn là thành phố đến để đến làm việc.

Làm sao tạo ra sự cạnh tranh đó và chúng ta nên có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này", PGS. TS Thoại Nam nói thêm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng trí thức thành phố

Về khởi nghiệp, ông Trần Hữu Đoàn, Tổng giám đốc công ty cổ phần kỹ nghệ Vietshin cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp thành công thấp do thiếu đội ngũ chuyên gia, định hướng. Nếu có thì lực lượng tư vấn khởi nghiệp chủ yếu vẫn giảng dạy lý thuyết suông, chưa trải qua quá trình "nằm gai nếm mật" cùng doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp thành công chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Đại diện doanh nghiệp đề xuất: "Thành phố nên có cơ chế thành lập đơn vị chuyên đào tạo người hỗ trợ người khởi nghiệp một cách bài bản, chi tiết thì 5 năm sau chúng ta sẽ gặt hái được kết quả rất nhiều. Thành phố có thể tháo gỡ cơ chế dành cho các trường đại học hiện nay để họ mạnh dạn thực tế nhiều hơn, kết hợp nhiều hơn với các doanh nghiệp trong đào tạo sinh viên".

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định đội ngũ trí thức của thành phố là nguồn lực, sức mạnh to lớn. Thành phố chỉ có thể đi lên bằng con đường đổi mới sáng tạo, nâng tỷ trọng bằng vốn con người.

Với sự quyết tâm và kiên trì, thành phố đã có được những khu công nghệ phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao hoạt động rất hiệu quả. Định hướng xây dựng thành phố thông minh sẽ được thành phố kiên trì quyết tâm thực hiện.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Muốn phát triển bền vững, chất lượng tăng trưởng ngày càng cao, thành phố chỉ có thể đi lên bằng con đường đổi mới sáng tạo, phát triển ngành có giá trị gia tăng cao, nâng tỷ trọng vốn con người trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Chúng tôi rất tự tin vào đội ngũ trí thức của thành phố, vấn đề còn lại là tạo cơ chế để phát".