Cung văn hóa lao động TPHCM - 45 năm điểm hẹn của người lao động

(VOH) - Mỗi năm, Cung văn hoá lao động TP thu hút hơn 1,2 triệu lượt công nhân lao động  và người dân đến tham gia sinh hoạt.

Ngày 6/11, tại lễ kỷ niệm 45 năm thành lập (7/11/1975-7/11/2020), ông Lê Hồng Triều - Giám đốc Cung văn hóa lao động TPHCM cho biết: ”Trong suốt 45 năm hoạt động, kể từ ngày Ủy ban quân quản TPHCM giao Câu lạc bộ thể thao Sài Gòn cho Liên Hiệp Công đoàn TP (nay là Liên đoàn lao động TPHCM) để hình thành câu lạc bộ lao động (nay là Cung văn hóa lao động) thì nơi đây đã trở thành điểm hẹn không thể thiếu của công nhân, lao động và mọi tầng lớp người dân TPHCM. Với rất nhiều câu lạc bộ, đội nhóm được thành lập, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi đã góp phần rất tích cực trong phục vụ đời sống vật chất,văn hóa tinh thần, sức khỏe cho công nhân lao động và nhiều tầng lớp người dân TPHCM”.

Ông Lê Hồng Triều - Giám đốc Cung văn hóa lao động TPHCM

Trung bình mỗi năm, Cung văn hoá lao động TP thu hút hơn 1,2 triệu lượt công nhân lao động  và người dân đến tham gia sinh hoạt. Trong đó, có hàng trăm ngàn lượt thành viên các câu lạc bộ, đội nhóm tham gia học tập, rèn luyện văn hoá văn nghệ, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Anh Nguyễn Ngọc Danh - Câu lạc bộ khiêu vũ hiện đại bộc bạch: “Nơi đây thật sự là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ năm 1982 đã đến tham gia sinh hoạt và luyện tập. Có rất nhiều kỷ niệm với Cung văn hóa. Khi tham gia các hoạt động tập luyện, thi đấu thường xuyên và mang về nhiều giải thưởng, bản thân cảm thấy rất vui. Cả vợ và con cũng cùng đến tham gia sinh hoạt và giao lưu các chương trình văn hóa văn nghệ. Điều mà các thành viên trong Câu lạc bộ cảm nhận được sinh khi hoạt tại Cung văn hóa là vui hơn, khỏe hơn và có cơ hội gặp gỡ giao lưu với nhiều người hơn”.

Thời gian qua, Cung văn hoá lao động đã đầu tư tổ chức hàng tăm chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phục vụ miễn phí vào các ngày cuối tuần, vào dịp lễ, Tết để công nhân lao động và người dân TP thưởng lãm.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, hoạt động chăm lo cho người lao động cũng được thực hiện như Chương trình hát cùng công nhân, Chương trình Vòng tay yêu thương gây quỹ để chăm lo cho công nhân lao động bị bệnh hiểm nghèo; Tổ chức vui hội trăng rằm chăm lo cho con công nhân khó khăn, sáng tác các ca khúc, các giải thi đấu thể thao mang tầm khu vực và thế giới...

Cung văn hoá lao động TP tổ chức nhiều chương trình văn hóa thể thao phục vụ người dân TPHCM. 

Đặc biệt, Cung văn hoá lao động TP còn tổ chức các loại hình sinh hoạt đi xuống cơ sở phù hợp với công nhân lao động tại các KCX-KCN, khu nhà trọ, khu lưu trú có đông công nhân, gắn kết hoạt động của các nhà văn hoá lao động tại các quận, huyện...

Trong chặng đường mới, để phát huy hơn nữa hoạt động của Cung văn hóa lao động TP, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TPHCM nhấn mạnh: ”Tập thể Cung văn hóa cần tiếp tục cố gắng lao động hiệu quả hơn, đổi mới nội dung sinh hoạt  nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, thanh thiếu niên thành phố đến đây luyện tập, vui chơi, giải trí sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Chú trọng công tác tuyên truyền, tăng cường công tác vận động tài trợ, bảo quản và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ nhân viên…để đưa các hoạt động đến gần hơn nữa đối với công nhân, người lao động”.

Trong suốt hành trình 45 năm qua, Cung văn hóa lao động TP vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương  lao động hạng nhất vào năm 2005, nhiều bằng khen, cờ thi đua của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, UBNDTP, Liên đoàn lao động TP. Riêng trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, 10 câu lạc bộ đội nhóm, 10 cá nhân đang sinh hoạt tại Cung văn hóa vinh dự được Liên đoàn lao động Tp tặng bằng khen, 63 cá nhân tiêu biểu được nhận kỷ niệm chương. Ngoài ra, Cung văn hóa lao động còn được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và UBND TP tặng bằng khen với thành tích xuất sắc năm 2020.