Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TPHCM: Đánh giá kết quả và tôn vinh thành tích nổi bật

(VOH) - Ngày 11 và 12/12/2019 diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III.

Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đại hội, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng của Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức Đại hội các cấp đảm bảo thời gian, trang trọng, hiệu quả. Phóng viên VOH đã có phỏng vấn ông Tăng Cẩm Vinh - Phó Trưởng Ban Dân Tộc TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III, năm 2019 về việc tổ chức Đại hội các cấp.

Ông Tăng Cẩm Vinh - Phó Trưởng Ban Dân Tộc TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III, năm 2019.

Ông Tăng Cẩm Vinh - Phó Trưởng Ban Dân Tộc TPHCM, Phó Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III, năm 2019.

*VOH - Thưa ông, những năm qua, TPHCM luôn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác dân tộc. Xin ông cho biết đôi nét về chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố?

Ông Tăng Cẩm Vinh: TPHCM với đặc điểm là một đô thị phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có gần nửa triệu đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn Thành phố. Trong thời gian qua, mặc dù các chương trình, chính sách của Trung ương hỗ trợ về kinh tế, an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số không thể áp dụng tại TPHCM nhưng với nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Lãnh đạo thành phố đã cho chủ trương vận dụng những chính sách của Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã phê duyệt ban hành nhiều chủ trương, chính sách trong đó tập trung vào các chính sách thực hiện giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc như giáo dục đào tạo, dạy nghề và tạo việc làm... nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển bền vững.

Cụ thể như: Chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn thành phố đang học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (kể cả giáo dục thường xuyên); Chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục đại học; Chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số; Chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố; Chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn TPHCM nội dung thuộc Chương trình hành động về Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn Thành phố đến năm 2020; và gần nhất là Chính sách hỗ trợ lãi suất cho đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực từ tháng 8 năm 2019 đến tháng 12 năm 2025. Các chính sách tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số thành phố và phù hợp với định hướng phát triển chung của TPHCM.

*VOH - Thưa ông, năm 2019 là năm tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp TP lần thứ 3. Vậy ông cho biết Ban Dân tộc Thành phố đã có kế hoạch cụ thể như thế nào để chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội lần này?

Ông Tăng Cẩm Vinh: Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1670/KH-UBND ngày 04/5/019 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp quận, huyện lần thứ II và cấp thành phố lần thứ III năm 2019 và Kế hoạch số 3572/KH-BTCĐH ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Ban Tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố về tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hồ Chí Minh lần III – năm 2019.

Ban Dân tộc thành phố với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành nhiều hướng dẫn, kế hoạch, công văn để tổ chức đại hội lần này đạt kết quả tốt nhất.

*VOH - Vậy ông cho biết hoạt động của Đại hội lần này có gì mới so với Đại hội của nhiệm kỳ trước, và ý nghĩa của Đại hội đối với đời sống của bà con các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn TPHCM?

Ông Tăng Cẩm Vinh: Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TPHCM lần thứ III – năm 2019 được tổ chức từ cấp quận - huyện, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta về vấn đề dân tộc; khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, luôn kề vai sát cánh, đoàn kết, chung sức, chung lòng trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước và thành phố.

Đại hội sẽ tập trung đánh giá kết quả và tôn vinh những thành tích của đồng bào dân tộc thiểu số TPHCM trong quá trình phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, tham gia đóng góp xây dựng và phát triển Thành phố trong 5 năm qua; là dịp để nhìn nhận lại một cách nghiêm túc việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng xã hội đối với đồng bào các dân tộc mà Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố lần thứ II đã đề ra; rút ra bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc trong 5 năm tới (2019 - 2024); giới thiệu 41 đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu ưu tú đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số thành phố tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II - năm 2020.

*VOH - Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác dân tộc trên địa bàn thành phố còn những khó khăn nào cần kịp thời tháo gỡ, thưa ông?

Ông Tăng Cẩm Vinh: Công tác dân tộc giai đoạn 2014 - 2019 tiếp tục được quan tâm đầu tư đúng mức, thực hiện đúng quan điểm, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”, người có uy tín phát huy được vai trò trong xã hội, nhân sĩ trí thức, đồng bào các dân tộc hướng tới xây dựng sự đồng thuận trong xã hội và góp phần vào sự phát triển bền vững của Thành phố.

Bên cạnh các mặt tích cực, việc triển khai thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn thành phố cần có sự quan tâm, đồng bộ của các cấp các ngành; Tiếp tục duy trì và phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong đồng bào dân tộc; nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; việc học chữ Khmer, Chăm còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực và cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế và chưa toàn diện. Đặc biệt là lực lượng kế thừa ở những địa bàn trọng điểm về dân tộc còn mỏng, có nơi không có cán bộ là người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ công chức làm công tác dân tộc kiêm nhiệm nhiều việc, tuy có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao, song có lúc vẫn còn lúng túng, bất cập, thiếu chuyên sâu.

Đây là những vấn đề mà thành phố sẽ quan tâm tháo gỡ giải quyết để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc trong thời gian tới, góp phần chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số thành phố.

*VOH - Xin cám ơn ông!

Sửa đổi, bổ sung Đề cương, Kế hoạch biên soạn, xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam - (VOH) - Theo kế hoạch  đến tháng 11/2021, cơ quan biên soạn sẽ tổ chức việc biên soạn và xuất bản Lịch sử Chính phủ Việt Nam.