Đề xuất nhiều chính đặc thù có tính đột phá để thu hút chuyên gia, nhà khoa học

(VOH) - Theo các chuyên gia, TPHCM cần xây dựng chính sách cơ chế tài chính đặc thù có tính đột phá để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có khả năng đặc biệt.

Chiều 10/10, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp cùng Sở Nội vụ TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của TP thời gian qua và hưởng ứng trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng đánh giá, TPHCM đã làm rất nhiều việc để thu hút chuyên gia như các chính sách hỗ trợ thu nhập, đặt hàng chuyên gia giải quyết các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đấu thầu để thuê tư vấn, tiếp nhận các dịch vụ tư vấn, các hội thảo, tọa đàm…

 thu hút chuyên gia, nhà khoa học
Đại biểu đóng góp ý kiến cho việc xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có khả năng đặc biệt.

TP cũng thành lập các tổ chức như hội khoa học TP, các tổ tư vấn chính sách, Viện Nghiên cứu phát triển… Có thể thấy, TP đã có nhiều kênh để thu hút chuyên gia nhưng vẫn còn nhiều bất cập như vấn đề đặt hàng của TP chưa có hệ thống, tầm nhìn không dài hạn, chưa được chu đáo nên kết quả thu hút chuyên gia góp sức cho vấn đề đó chưa có chất lượng chưa cao…

Xây dựng chính sách thu hút chuyên gia không chỉ nhìn ở góc độ trả thù lao

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM đề xuất, việc xây dựng chính sách thu hút chuyên gia cần tiếp cận theo phương pháp luận đổi mới sáng tạo mở chứ không chỉ nhìn ở góc độ trả thù lao. Thu nhập không phải là vấn đề chính mà cần xây dựng một môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu… để tạo hệ sinh thái mở của khu vực công.

“Đổi mới sáng tạo không đến từ một cá nhân cụ thể, một nhà khoa học, có chuyên môn mà đến từ cộng đồng. Khái niệm thu hút chuyên gia cũng nên hiểu theo nghĩa là thu hút các ý tưởng của cả cộng đồng. TP nên nghiên cứu thiết kế hình thành duy trì ổn định hoạt động của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở để tất cả mọi người cùng tham gia giải quyết các vấn đề ở khu vực công bao gồm thiết kế xây dựng chính sách các giải pháp, mô hình, ứng dụng khoa học - công nghệ…” - ông Nguyễn Việt Dũng nói thêm.

Cho phép chuyên gia làm việc bán thời gian, làm việc từ xa

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân - Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết: từ năm 2019 đến nay Trung tâm khu thu hút và kí kết được hợp đồng hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học. Bên cạnh việc mức lương chuyên gia hiện nay khá thấp (vào khoảng 15 triệu đồng/tháng cho hệ số 10) thì việc yêu cầu chuyên gia, nhà khoa học phải làm việc toàn thời gian tại đơn vị cũng là rào cản không nhỏ, làm giảm khả năng thu hút, mời gọi chuyên gia.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân kiến nghị: Thành phố cần quy định về mức thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với chuyên gia, nhà khoa học cao hơn mức quy định hiện hành.

“Cần phải cho phép sự đa dạng, linh hoạt trong việc hợp tác với chuyên gia. Có thể bán thời gian, làm việc từ xa để giải quyết các công việc rất cụ thể, thiết thực của đơn vị. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại đơn vị là rất cần thiết nhưng cũng phải quan tâm đến đội ngũ hiện có tại các đơn vị. Bởi vì nếu thiếu đội ngũ này thì chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm, tài giỏi và đãi ngộ cao như thế nào thì cũng sẽ không thể giải quyết được công việc cụ thể. Bởi vì công việc này phần lớn là do lực lượng cán bộ khoa học tại chỗ thực hiện” - ông Quân nói. 

Cần xây dựng cơ sở vật chất, ngân sách khoa học đủ mạnh

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát cho biết: Hội thảo thống nhất triết lý quan điểm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, xu hướng phát triển khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế cần có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế xã hội, quản lí đô thị.

Trong đó, việc thu hút trọng dụng, tìm kiếm chuyên gia, người có tài năng đặc biệt là vấn đề cần thiết. Theo PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát thì cần tiếp tục duy trì những chính sách thu hút trọng dụng nhân tài nhưng cần có thay đổi phù hợp với thực tiễn. 

Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát
Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát

Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM kiến nghị, Trung ương cần xây dựng chiến lược nhân tài quốc gia một cách tổng thể, toàn diện để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng.

TPHCM cần thiết kế mô hình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt với phương pháp luận đổi mới sáng tạo, đầy đủ quy trình, môi trường làm việc để cho bản thân và gia đình của các chuyên gia sống, yên tâm làm việc và cống hiến. Cần chú trọng đến các đối tượng tham gia là các đại học, trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu, vì ở đó có các hệ sinh thái đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất cộng sự tương xứng với đội ngũ thực thi. Cần có sự chủ động của các công chức, viên chức ở khu vực công vì sự đồng hành ở khu vực công sẽ nói lên nhu cầu cấp thiết và sự thụ hưởng kết quả, áp dụng kết quả, cũng như kì vọng. Kiến nghị TPHCM xây dựng chính sách cơ chế tài chính đặc thù có tính đột phá so với quy định hiện hành cho việc thu hút chuyên gia nhà khoa học, người có khả năng đặc biệt để phát triển Thành phố”.

Ngoài ra, PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát nhấn mạnh: “TPHCM cần phải đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, ngân sách khoa học đủ mạnh cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực văn hóa thể thao vì đây là những điều kiện về môi trường làm việc để thu hút nhân tài.

TPHCM cần xây dựng ngân hàng dữ liệu về các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đang ở Việt Nam hay nước ngoài. Từ đó, nhận diện nhu cầu của TP cần để tìm kiếm và mời gọi. Về thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thì không nên phân biệt là người trong nước hay nước ngoài, miễn là kết quả là đáp ứng mục tiêu, kì vọng”.