Chủ trì cuộc họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm.
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành cùng lãnh đạo các quận, huyện tại các điểm cầu địa phương.
Về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, tổng số trường hợp Covid-19: 76 ca phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh và 01 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu (bệnh nhân 278); 62 bệnh nhân (BN) đã được điều trị khỏi bệnh.
Hiện đang cách ly điều trị 15 BN gồm 08 trường hợp phát hiện trong cộng đồng (liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng), 07 trường hợp nhập cảnh (có 01 trường hợp nhập cảnh trái phép). Tất cả các BN đang ổn định.
Trong ngày 17/8/2020 có 182 người có triệu chứng viêm hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại các khu cách ly của các bệnh viện. Không trường hợp nào có triệu chứng nặng, 159 trường hợp đã có kết quả âm tính, 23 trường hợp còn lại đang chờ kết quả.
Về công tác giám sát người đến Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020, tính đến 11giờ 30 ngày 17/8/2020, đã có 53.317 người từng đến Đà Nẵng khai báo y tế tại 24 quận huyện. 53.317 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, hiện đã có 52.675 người có kết quả âm tính, 06 người có kết quả dương tính (bệnh nhân 510, 517, 518, 567, 568, 589), còn lại đang chờ kết quả.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong biểu dương các cấp, các ngành, nhất là ngành Y tế, Công an, Quân đội, Thanh niên xung phong đã đồng sức, đồng lòng cùng với Thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Với nỗ lực đó, 15 ngày qua Thành phố không ghi nhận thêm các ca nhiễm mới trong cộng đồng, không có trường hợp tử vong và không xảy ra lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp.
Khẳng định lại tinh thần “chống dịch như chống giặc” và vượt qua dịch bệnh là thử thách để Thành phố hoàn thành các mục tiêu kinh tế - văn hóa – xã hội đã đặt ra, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các Sở - ban - ngành, quận - huyện tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không lơ là, mất cảnh giác; phải xác định tâm thế sống chung với dịch bệnh, chống dịch căn cơ, lâu dài và luôn giữ thế chủ động; Bám sát diễn biến của tình hình dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Đợt 3 của 200 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.
Thực hiện nghiêm Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 14/8/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19. Ngành Y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế về quy trình chuẩn để xử lý các ca lây nhiễm; điểm danh các trường hợp nhiễm bệnh, không để bệnh nhân di chuyển qua nhiều bệnh viện, nhiều nơi. Thực hiện giãn cách xã hội cho các đối tượng có nguy cơ cao gồm người cao tuổi, người có bệnh lý tim bệnh và bệnh lý mãn tính khác. Các bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản và chuẩn bị mọi cơ sở vật chất, nhân lực, đảm bảo ứng phó với các tình huống, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều. Trường hợp có ca nhiễm bệnh, thực hiện ngay việc khoanh vùng, cách ly với quy mô phù hợp, nhanh chóng truy vết các đối tượng tiếp xúc, xét nghiệm đồng loạt và cách ly tập trung.
Ngành Y tế công bố danh mục các bệnh viện an toàn theo tiêu chí Bệnh viện an toàn của Bộ Y tế và Sở Y tế ban hành; khuyến khích các bệnh viện tư nhân tham gia xét nghiệm Covid-19 để giảm áp lực cho các cơ sở y tế công; Chỉ đạo các bệnh viện bố trí phòng khám bên ngoài khối nhà chính để phòng ngừa các ca có nguy cơ lây nhiễm; Ưu tiên nhận các bệnh nhân cấp cứu nặng, chuyển tuyến; Tăng cường tư vấn sức khỏe theo hình thức trực tuyến và khám tại nhà cho người trên 60 tuổi.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất tự đánh giá các tiêu chí an toàn, thực hiện giám sát chặt chẽ các biện pháp phòng dịch Covid-19 theo Bộ tiêu chí đã ban hành.
Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch, nhất là tại các nhà trọ, các khu nhà ở tạm bợ, khu chế xuất, khu công nghiệp… Trong đó, chú ý các nội dung như: trước khi đi khám chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu, người dân nên liên hệ với các cơ sở y tế để được hướng dẫn, tư vấn sức khỏe và đặt lịch hẹn để đảm bảo phòng dịch hiệu quả…
Bố trí lực lượng tại các khu vực công cộng để giải tán các nhóm tụ tập đông người. Không tổ chức các cuộc họp đông người khi chưa thật sự cần thiết; các sự kiện cần thiết tổ chức, phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu về phòng chống dịch bệnh, thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành nghiêm các quy định, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát và nâng cao chất lượng đường truyền, phục vụ việc dạy trực tuyến cho học sinh.
Các tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính, thanh toán trực tiếp phí, lệ phí, xử phạt vi phạm hành chính… cần liên hệ với Tòa án và các cơ quan chuyên môn để giải quyết phù hợp.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác phòng chống dịch tại các Trung tâm chăm sóc cho người già, bảo trợ xã hội, điều dưỡng thương bệnh binh.
Sở Ngoại vụ thông tin thường xuyên công tác phòng chống dịch cho các cơ quan và người nước ngoài; vận động các tổ chức quốc tế ủng hộ công tác phòng chống dịch của Thành phố.
Công an Thành phố tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra, rà soát người nhập cảnh trái phép; UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Đồng thời, phát huy vai trò lực lượng cơ sở, nhất là Công an phường - xã, Cảnh sát khu vực trong phát hiện người nhập cảnh trái phép trên địa bàn; Khẩn trương tham mưu cho UBND Thành phố việc lập các chốt, trạm kiểm soát.
Phối hợp với Toà án, Viện Kiểm soát Thành phố đưa một số vụ án điểm về nhập cảnh trái phép ra xét xử.
Liên đoàn Lao động Thành phố thành lập, duy trì ít nhất 01 tổ công đoàn có 01 tổ công tác giám sát phòng chống dịch bệnh, yêu cầu từng đoàn viên, công nhân giám sát lẫn nhau.
Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch; tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ cho công tác phòng chống dịch của Thành phố.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tổ chức giao ban tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp của Thành phố tiếp tục lưu ý đến giá cả sản phẩm, các dịch vụ cung ứng để chia sẻ với Thành phố trong giai đoạn khó khăn này; đảm bảo ổn định nguồn hàng lương thực, nhu yếu phẩm để cung cấp đủ cho người dân.