Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Chuyển đổi số trong nông nghiệp

(VOH) - Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Việc thực hiện chuyển đổi số đúng hướng sẽ giúp cho ngành nông nghiệp giảm được sự khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ. Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông thành phố sẽ đóng góp ý kiến, giải pháp liên quan đến chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, cũng như giúp người nông dân tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin để ứng dụng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong thời điểm này, thích ứng với tình trạng bình thường mới.

dien-dan-tphcm-thich-ung-va-phat-trien-chuyen-doi-so-trong-nganh-nong-nghiep-voh.com.vn-anh1
Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay. (Ảnh minh họa: internet)

"Thực hiện chương trình chuyển đổi số của TPHCM trong giai đoạn 2021-2025, trong đó ngành nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực cần phát triển, ứng dụng chuyển đổi số nhằm để giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Thế thì với nhiệm vụ mà thành phố giao cho ngành nông nghiệp mà cụ thể là trung tâm khuyến nông hỗ trợ cho người nông dân ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đặc biệt là thực hiện chủ trương của thành phố trong giai đoạn tới là tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp TPHCM đạt năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng chuyển đổi số cũng như là thay đổi căn bản quản lý, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, từ phương pháp truyền thống sang ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý sản xuất để tạo ra thay đổi, mang ý nghĩa vượt bậc trong tổ chức quản lý sản xuất. Do vậy, chúng ta có thể nắm bắt thời cơ để tận dụng những ưu thế, những lợi thế của địa phương, của ngành cũng như những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp cũng như cái thuận lợi công nghệ chuyển đổi số để nhằm phát huy sản xuất trong nông nghiệp của chúng ta. Nếu mà chúng ta không làm nhanh thì có những quốc gia, các nước họ sẽ vượt qua thì chúng ta sẽ ở lại.

Vì vậy, nhà nước cần có một chính sách đồng bộ để hỗ trợ, kết nối từ doanh nghiệp đến người nông dân, nhà khoa học cùng đồng hành trên chuyến tàu chuyển đổi số và đương nhiên là phát triển phải bền vững, xây dựng dựng nền tảng sao cho bền vững để giải quyết được những vấn đề về sản xuất và thị trường phải đồng bộ và hiệu quả thì mới tạo việc phát triển bền vững trong thời gian lâu dài chứ không phải là hôm nay thì trúng mùa, được giá, thời gian tới thì lại mất mùa, mất giá,… Do vậy, tôi nghĩ rằng chuyển đổi số là một nền tảng giúp cho nông nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội, tận dụng được lợi thế từng địa phương thì chúng ta có thể tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng nông nghiệp toàn cầu trong thời gian tới.

Với nhiệm vụ đó, bên cạnh tình hình 2 năm vừa qua, dịch bệnh Covid cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Thế thì với mục tiêu đó, chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ làm sao có những phương pháp mới, hình thức mới để hỗ trợ người nông dân phải duy trì sản xuất, phát triển sản xuất trong điều kiện dịch bệnh. Với những ý nghĩa đó thì chúng tôi, khuyến nông cũng đã có những bước chuẩn bị.

Cụ thể, chúng tôi tổ chức hội thảo trực tuyến trong hoàn cảnh giãn cách, hạn chế tổ chức các hội thảo đông người thì dùng các hình thức trực tuyến để tổ chức hội thảo, giúp cho bà con nông dân vẫn tiếp tục tiếp cận những chủ trương, những chính sách mới của thành phố. Bên cạnh đó, cũng xây dựng những chương trình, những video clip cụ thể về hướng dẫn tập huấn về mặt kỹ thuật để đăng trên các trang mạng xã hội, chúng tôi cũng tạo các fanpage khuyến nông để cho bà con nông dân cần thiết mọi lúc, mọi nơi để truy cập vào tìm hiểu những mặt kỹ thuật cũng như là tư vấn.

Song song đó, tiếp tục có những hội thảo trực tuyến để mời những chuyên gia trong từng lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết những vấn đề, những vướng mắc, những khó khăn trong quá trình sản xuất mà người nông dân đặt ra, cần tư vấn. Với những hình thức như vậy, chúng tôi cũng hy vọng là sẽ huấn luyện, giúp cho bà con dần dần quen với việc tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua những hình thức mới bên cạnh hình thức tập huấn trực tiếp như trước đây. Đồng thời, chúng tôi đa dạng hóa phương pháp tiếp cận để giúp cho bà con giải quyết được vấn đề vướng mắt cũng như vấn đề huấn luyện để cho bà con vẫn tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất trong thời gian tới".

Bình luận