Diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển: Nhóm giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH

(VOH) - TPHCM là đô thị đặc biệt của cả nước, bên cạnh tiềm năng phát triển, vẫn phải đối diện với những thách thức ngày càng lớn do bất cập về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động...

Bên cạnh tác động của dịch bệnh, những thách thức nội tại cũng cần được nhìn nhận lại, đó là thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV, liên kết vùng, sự phát triển của các thành phố lớn của khu vực Đông Nam Á, và năng lực cạnh tranh một số lĩnh vực của Thành phố giảm so với các địa phương khác trong cả nước. Đây là những thách thức đã và đang tiếp tục đe dọa sự phục hồi và phát triển Thành phố trong thời gian tới. Ngoài ra, những cơ hội nổi lên cũng tạo nên lợi thế cạnh tranh cho Thành phố như kinh tế số, tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19, hệ thống y tế được củng cố hơn và người dân điều chỉnh hành vi tiêu dùng. 

Do vậy, việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025 cần đưa ra những giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy nền kinh tế Thành phố, khôi phục những hoạt động văn hóa – xã hội. 

Diễn đàn TPHCM thích ứng và phát triển: Nhóm giải pháp phục hồi và phát triển KT-XH 1
Ảnh minh họa.

Trong diễn đàn TPHCM - Thích ứng và phát triển hôm nay, chúng tôi xin trích ý kiến từ ông Đào Minh Chánh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TPHCM về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 – 2025 với 02 nhóm giải pháp cùng 02 giai đoạn khác nhau bao gồm: Nhóm giải pháp cấp bách (từ nay đến hết năm 2022) và nhóm giải pháp trọng tâm (từ năm 2023 đến năm 2025).

 

Nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội Thành phố (Từ nay đến hết năm 2022): Khắc phục các hệ lụy, khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, và các hoạt động văn hóa – xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Về y tế: tiếp tục củng cố hệ thống y tế, rà soát, bổ sung cơ chế chính sách đặc thù để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, y tế cộng đồng, hệ thống điều trị, đảm bảo thông suốt với quá trình khôi phục kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

- Về xã hội: chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhất là nhóm lao động yếu thế; Hỗ trợ kết nối cung, cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm.

 - Về kinh tế: từng bước khôi phục hoạt động KT-XH gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19, trong đó: tập trung khắc phục gián đoạn trong chuỗi cung ứng từ lưu thông đến sản xuất, phân phối; Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các ngành kinh tế, các động lực tăng trưởng kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu tăng tốc trở lại; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do Chính phủ ban hành; hoàn thiện và trình Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thúc đẩy việc lập quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2021 về “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó tập trung một số chính sách hỗ trợ, và các chương trình đề án trọng tâm trọng điểm.

Nhóm giải pháp trọng tâm cho giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội Thành phố (Từ năm 2023 đến năm 2025): Tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Thành phố; Tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của Thành phố: Trung tâm Kinh tế, tài chính; Trung tâm thương mại – mua sắm; Trung tâm dịch vụ Logistics; Trung tâm du lịch; Trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; Trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục; Trung tâm văn hóa của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Tập trung 7 nhóm giải pháp chủ yếu sau:

(1) Nhóm giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực cho Thành phố, trong đó, với giải pháp nguồn nhân lực cần chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài và phát huy tinh thần kết luận 14/KL-BCT ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo; với giải pháp về đất đai gắn với các dự án xây dựng, tập trung khai thác hiệu quả các quỹ đất, nhất là các khu đất dọc các tuyến quốc lộ và tuyến Metro; với giải pháp về tài lực, khai thác cơ chế đặc thù từ Nghị Quyết số NQ 54/QH của Quốc hội (đất đai, cổ phần hóa, phí lệ phí,…), về tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách và nguồn thu từ doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, có nguồn thu lớn.

(2) Nhóm giải pháp tập trung nguồn lực từ vốn đầu tư công và các đề án ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó, sắp xếp danh mục dự án đầu tư công trong 4 năm 2022- 2025 theo tiêu chí: tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu; và có tác động thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân theo nguyên tắc đầu tư công tạo “vốn mồi”; Tập trung ưu tiên triển khai 1 đề án và 2 chương trình của Chương trình đột phá đổi mới quản lý thành phố Hồ Chí Minh; Ưu tiên triển khai 07 đề án và 02 chương trình của Chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố Hồ Chí Minh; Ưu tiên triển khai 2 đề án của Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

(3) Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nền kinh tế, trong đó, tập trung các ngành kinh tế hướng đến đổi mới sáng tạo 4 ; các phân khúc tạo giá trị gia tăng cao; Phát huy hiệu quả hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất hiện hữu và theo quy hoạch trong giai đoạn tới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động ; nông nghiệp công nghệ cao.

(4) Nhóm giải pháp Chỉnh trang đô thị gắn với nhiệm vụ lập quy hoạch, quy hoạch KT-XH Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tập trung cải tạo bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, môi trường thông thoáng, ngăn ngừa lây nhiễm Covid trong bối cảnh mới hiện nay; Quy hoạch và cải tạo các dự án chung cư cũ, ven kênh rạch, chú trọng các dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp, công nhân, và chỉnh trang đô thị.

(5) Nhóm giải pháp phát triển dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh và chăm sóc sức khỏe tinh thần, trong đó, lựa chọn một số dịch vụ y tế, giáo dục là thế mạnh, văn hóa có nét đặc trưng riêng để có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, song song đó khuyến khích phát triển các dịch vụ này ở khu vực tư nhân. Củng cố hệ thống y tế Thành phố; Phát triển y tế cộng, bác sĩ gia đình; Thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khỏe tinh thần sau đại dịch, gắn vào mô hình của Trung tâm an sinh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.

(6) Nhóm giải pháp liên kết vùng, trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam hiệu quả. Trước mắt nghiên cứu cơ chế phối hợp chung trên ba lĩnh vực: quy hoạch và phát triển Vùng đô thị; Đào tạo, nguồn nhân lực, thị trường lao động; Bảo vệ môi trường chung.

(7) Nhóm giải pháp Nâng tầm quốc tế của thương hiệu Thành phố, trong đó, xây dựng Thành phố trở thành Trung tâm tài chính, thương mại du lịch quốc tế, điểm đến hấp dẫn toàn cầu, thu hút nhân tài theo các chỉ số đánh giá thành phố toàn cầu.

Bình luận