Ngày 18/9, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa tổ chức Đối thoại với đại diện các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn để ghi nhận, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/8/2020, Chi cục đã làm thủ tục quá cảnh cho 30.627 tờ khai hải quan, với số lượng trên 70.000 container hàng hoá. Trung bình mỗi ngày Chi cục đã giải quyết thông quan hàng quá cảnh cho khoảng 300 - 400 container, các thủ tục đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật về hải quan trong hoạt động quá cảnh hàng hóa, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng tích cực kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp sai phạm, lợi dụng loại hình dịch vụ quá cảnh để buôn lậu, đánh tráo hàng hóa.
Các đối tượng buôn lậu lợi dụng chuyển hàng cấm, hàng lậu
Cụ thể, trong thời gian qua, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng hình thức quá cảnh để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng phải có giấy phép, tự ý tiêu thụ hàng quá cảnh tại thị trường Việt Nam, cắt seal đánh tráo hàng hoá quá cảnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai nhiều biện pháp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với hàng hóa quá cảnh, đặc biệt là hàng hóa quá cảnh bằng phương tiện đường thủy nội địa.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2020 đến nay, Đội Giám sát và Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã phối hợp với các lực lượng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện và xử phạt 19 trường hợp vi phạm hành chính liên quan hàng quá cảnh, với các hành vi không khai báo, khai báo sai về tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, giấy phép, kiểm dịch... Các trường hợp này đã được Chi cục xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, trong đó có một trường hợp không được tiếp tục thủ tục quá cảnh, phải buộc tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Trước những vướng mắc của một số doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Đối thoại với đại diện các doanh nghiệp này và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn.
Đề nghị giao cho doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện kiểm tra seal
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh đã nêu vướng mắc về việc kiểm tra seal hãng tàu khi làm thủ tục vận chuyển độc lập hàng quá cảnh; Việc thực hiện các ý kiến của Cục và Tổng cục Hải quan (công văn 5808/TCHQ-GSQL ngày 03/9/2020; Thời gian làm thủ tục vận chuyển; Kiểm tra thực tế hàng hóa; Khai báo mã số HS trên tờ khai và trên bản kê. Các vướng mắc này, chủ yếu là việc kiểm tra, đối chiếu seal hãng tàu, và tồn đọng hàng hóa tại cảng.
Theo thông báo của các doanh nghiệp, hiện tại cảng Cát Lái còn tồn đọng một số container hàng quá cảnh, phần lớn do doanh nghiệp chưa mở tờ khai hải quan; Chưa xuất trình hàng hóa cho cơ quan hải quan kiểm tra seal hãng tàu để thực hiện không niêm phong theo quy định.
Để thuận tiện cho việc làm thủ tục và thông quan hàng hóa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh đề nghị giao cho doanh nghiệp kinh doanh cảng thực hiện kiểm tra seal thay cho cơ quan hải quan. Tuy nhiên, căn cứ quy định hiện hành, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập ban hành theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 của Tổng cục Hải quan thì việc niêm phong hải quan là một bước nghiệp vụ công chức hải quan phải thực hiện khi thực hiện thủ tục đối với hàng hóa vận chuyển độc lập và các quy định hiện hành cũng không có quy định giao cho doanh nghiệp kinh doanh cảng kiểm tra niêm phong thay cho cơ quan Hải quan.
Phối hợp tích cực hơn nữa giữa các bên liên quan
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp, việc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh trong thời gian qua là đúng quy định. Tuy nhiên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh với doanh nghiệp kinh doanh cảng và cơ quan hải quan cho nên đã xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa như doanh nghiệp phản ánh.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc kinh doanh và cơ quan hải quan trong việc quản lý, nhanh chóng giải phóng lượng container đang bị tồn đọng tại cảng, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa giữa các bên liên quan. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hóa quá cảnh phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh cảng, cơ quan hải quan thực hiện đúng quy định pháp luật về thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh; Khai báo hải quan và làm thủ tục các container tồn và tập hợp các vướng mắc có liên quan đến thủ tục hàng quá cảnh kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
Doanh nghiệp kinh doanh cảng tổ chức lưu giữ hàng quá cảnh lưu giữ khu vực riêng; Thông báo việc xếp dỡ hàng hóa cho chi cục chậm nhất 8 giờ trước khi phương tiện xuất cảnh và phối hợp với Chi cục, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh làm thủ tục và thông quan nhanh hàng hóa.
Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I thực hiện đúng quy định, quy trình thủ tục hải quan; Căn cứ tình hình bố trí lực lượng giám sát, tổ chức kiểm tra, giám sát kiểm tra seal, niêm phong hải quan cho phù hợp, đảm bảo thông suốt, không để xảy ra ách tắc. Chi cục tập trung lực lượng giải quyết thủ tục cho các container tồn đọng, bố trí công chức thực hiện thủ tục nhanh, đúng quy định cho doanh nghiệp và báo cáo Tổng cục Hải quan các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ tăng cường bố trí nhân sự, giải quyết nhanh thủ tục cho các doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quá cảnh phối hợp cùng cơ quan hải quan thực hiện.
Với phương châm “Cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển”, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh luôn lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua những buổi đối thoại, trao đổi thông tin. Từ đó mang lại kết quả tích cực, giúp định hướng doanh nghiệp đến sự tự giác tuân thủ pháp luật hải quan, kịp thời nắm bắt, tiếp thu các ý kiến doanh nghiệp liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị lên các cấp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan về chính sách, thủ tục cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công của cơ quan hải quan trong tiến trình cải cách và hội nhập.
Xem thêm: