Đăng nhập

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM: "Tôi không nói chưa có ai bị khốn khổ"

(VOH) - Trưa 19/10, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã có trao đổi cùng phóng viên về vấn đề được người dân và báo chí quan tâm.

Ngay sau khi kết thúc chương trình Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, vào trưa 19/10, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn đã có trao đổi cùng phóng viên về vấn đề được người dân và báo chí quan tâm. 

Với câu hỏi của phóng viên là Sở có nắm được số lượng người dân ở các nơi đến làm việc tại TPHCM, cũng như bố trí người dân khi có nguyện vọng về quê, ông Lê Minh Tấn cho biết: "Sở có bố trí sắp xếp nếu về quê thì về, đăng kí với Sở Giao thông Vận tải và quận huyện để tổ chức đi về ổn định. Nhưng thành phố lúc đầu có yêu cầu mong muốn người dân ở lại thành phố. Dù được tiêm vắc xin, xét nghiệm, bảo đảm hỗ trợ nhưng quá trình giãn cách lâu, bà con cũng nhớ nhà nên xin về. Sở thống kê nói chung là tất cả bà con ở 63 tỉnh, thành đều có mặt lao động tại TPHCM. Theo tôi nắm khoảng 1 triệu người đang sinh sống, làm việc để đóng góp cho kinh tế thành phố. Thành phố cũng mong muốn bà con ở lại, nhằm chống dịch lây lan, đảm bảo cho bản thân, cho gia đình, bảo đảm cho cộng đồng. Người dân ở TPHCM có thường trú, tạm trú hay lưu trú đều được tiêm vắc xin".

giam-doc-so-ld-tb-xh-tphcm-le-minh-tan-voh.com.vn-anh1Xem toàn màn hình
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM. (Ảnh: TTO)

Còn với thắc mắc của phóng viên là có hay không việc người dân khó tiếp cận các gói hỗ trợ an sinh xã hội của thành phố, ông Lê Minh Tấn nói: "Ngoài gói an sinh mà thành phố hỗ trợ còn có các gói an sinh khác, chính sách khác của mặt trận, đoàn thể như túi an sinh, quà của MTTQ, của doanh nghiệp, hoặc phường - xã - địa phương, cũng vận động chia sẻ nhau. Nếu không nhận được gói an sinh xã hội của thành phố thì sẽ nhận được túi an sinh xã hội của MTTQ. Cũng chia sẻ với bà con là có sót. Số trường hợp được duyệt, nếu bà con về quê thì thành phố chờ bà con lên để chi hỗ trợ. Tôi tin chắc rằng nếu đại dịch này kết thúc sớm, kiểm soát được, bình thường mới, kinh tế sẽ vận hành lại, tôi tin là bà con sẽ trở về thành phố để làm việc, góp phần đóng góp cho sự phát triển của thành phố".

Trả lời thẳng vào câu hỏi đang được dư luận quan tâm là có hay không câu phát biểu “chưa có ai bị thiếu ăn thiếu mặc, khốn khổ” tại thảo luận tổ vào chiều 18/10, ông Lê Minh Tấn nói rõ: "Hôm qua, tại thảo luận tổ, tôi ở tổ 1. Tất cả đại biểu tổ, có các sở ngành. Nhưng ý tôi không phải vậy, do anh em nghe không rõ thành ra đăng không chính xác. Chứ tôi không có nói "chưa có ai bị khốn khổ, khó khăn". Mà là "không để ai bị khốn khổ, thiếu đói, thiếu mặc". Nghĩa là trách nhiệm anh lo cho bà con như thế. Chứ không có nói là "chưa có ai bị thiếu ăn thiếu mặc, khốn khổ". Có khó khăn, có khốn khổ trong đại dịch này, nhiều người khốn khổ lắm nhưng đó là ngoài ý muốn, bà con không muốn, thành phố không muốn".

Bình luận