TPHCM cần phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn trường học

(VOH) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa X, sáng 19/10, Hội đồng Nhân dân TP tổ chức phiên thảo luận tại hội trường.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, qua đợt dịch bệnh thứ tư vừa qua, ngành y tế thành phố đã có những bước để khắc phục những hạn chế để đáp ứng tốt việc chăm sóc sức khỏe người dân như lấy ý kiến các sở ngành, quận huyện, chuẩn bị tham mưu cho UBND TP trình đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội bổ sung các cơ chế chính sách, cho phép xây dựng thí điểm triển khai một số hoạt đợng trước mắt giúp củng cố năng lực cho trạm y tế phường xã.

"Sở Y tế đã có nhiều buổi họp lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo quận - huyện và của chính nhân viên y tế cơ sở để xây dựng đề án củng cố và nâng cao năng lực y tế cơ sở. Việc củng cố trạm y tế không chỉ dừng ở việc tăng thêm biên chế, tăng thu nhập cho nhân viên y tế tuyến đầu mà cần chú trọng tạo điều kiện để trạm y tế thật sự là mắc xích quan trọng trong chuỗi mắc xích khác trong chăm lo sức khỏe người dân. Ngay sau dịch cần tái cấu trúc tất cả các bệnh viện để đảm bảo vừa chữa trị bệnh thông thường vừa chữa trị được bệnh nhân bị dương trính với Covid-19. Ngành y tế cũng phải chuẩn bị nguồn nhân lực khi mà nhân viên y tế của các bộ ngành, của các địa phương rút đi, thì ngành y tế thành phố cũng phải đủ nguồn lực để chi viện cho y tế quận - huyện", ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm.

ky-hop-thu-3-hoi-dong-nhan-dan-tphcm-khoa-x-voh.com.vn-anh1
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên bế mạc. (Ảnh: hcmcpv)

Về vấn đề chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, qua 3 đợt hỗ trợ, thành phố đã chi gần 9.000 tỷ đồng.

Về vấn đề chăm sóc người già neo đơn, các em nhỏ bị mồ côi, Sở đã tham mưu trình Ủy ban Nhân dân TP “Chương trình Huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố”: "Gồm có 9 chính sách: Chăm sóc sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý; sức khỏe thể chất, hỗ trợ sữa dinh dưỡng lương thực thực phẩm; hỗ trợ ổn định nơi ở và đồ dùng sinh hoạt gia đình; giáo dục đỡ đầu học tập đến 18 tuổi học xong PTTH phương tiện máy móc thiết bị đồ dùng học tập; định hướng nghề nghiệp học nghề; nâng cao kỹ năng sống chấp nhận thực tế hòa nhập cộng đồng xã hội; bảo vệ pháp lý thừa kế tài sản cho người cao tuổi, trẻ em sổ tiết kiệm nhà đất xe tài sản có giá trị khác; nhận phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn không còn người thân chăm sóc nuôi dưỡng; thực hiện các hình thức chăm sóc thay thế, trong đó do người thân do cộng đồng chăm sóc nuôi dưỡng hoặc cho nhận nuôi con nuôi, trường hợp đặc biệt nếu đồng ý vào các cơ sở bảo trợ chăm sóc".

Một vấn đề mà các đại biểu cũng đã rất quan tâm đó là vấn đề dạy và học trực tuyến. Hiện có hơn 98% học sinh tiểu học, hơn 99% học sinh Trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học theo mô hình học trực tuyến. Để chuẩn bị trở lại môi trường trực tiếp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Nguyễn Văn Hiếu cho hay: "Sở phối hợp với Sở y tế và các sở ngành liên quan đánh giá nhận định tình hình dịch bệnh ở các địa phương. Hiện nay, thành phố cũng đã kiểm tra nhiều lần, và huyện Cần Giờ có văn bản chuẩn bị chu đáo để thí điểm mở cửa mặc dù chưa đánh giá cấp độ ở xã đảo Thạnh An. Tuy nhiên qua nhiều lần kiểm tra của 2 Sở: Y tế và Giáo dục cùng HCDC Thành phố thì thấy rằng, xã đảo nhiều tuần qua kiểm soát tốt dịch bệnh, không phát sinh dịch cũng như người dân tuân thủ tốt 5K. Trong trường học thì đủ điều kiện để thực hiện thí điểm dạy trở lại trong tuần này. Tuy nhiên chỉ với các khối lớp: lớp 1, 2, 6, 9 và 12. Trong dạy học trực tuyến, các em còn nhiều lỗ hổng về kiến thức thì khi dạy học trở lại các em sẽ được phụ đạo để đảm bảo kiến thức dạy và học trước khi kiểm tra đánh giá".

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: TPHCM đã ban hành kế hoạch về phòng chống dịch và phục hồi kinh tế. Dự kiến trong tháng 12 sẽ tổ chức tổng kết công tác phòng chống dịch và ban hành quy tắc phòng chống dịch trong thời gian tới và sẽ tiếp tục cập nhật bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế.

"Tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phục hồi đầu tư phát triển kinh tế. Đây là nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm 2021. Thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cụ thể của từng doanh nghiệp. Thành phố tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ lực, vừa hỗ trợ phục hồi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm tổn thương nặng trong đợt giãn cách vừa qua", Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu sở Giáo dục – Đào tạo Thành phố cần phải xây dựng bộ tiêu chí an toàn trường học trong phòng chống dịch bệnh. Đây là yếu tố quan trọng khi quyết định mở lại trường học hiện nay.

Hội đồng nhân dân TPHCM cũng đã thông qua Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố trong học kì I năm học 2021-2022.

Với nghị quyết được thông qua, chính sách sẽ hỗ trợ hai nhóm. Nhóm 1 gồm học sinh học tại các trường ở TP.Thủ Đức và các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 gồm học sinh học tại các trường ở huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ. Theo đó, mức chi hỗ trợ học phí cho mỗi học sinh nhóm 1: Đối với nhà trẻ là 200.000 đồng/tháng; 160.000 đồng/tháng đối với trẻ mẫu giáo; 60.000 đồng/tháng đối với học sinh Trung học cơ sở và bổ túc Trung học cơ sở; 120.000 đồng đối với học sinh Trung học phổ thông, bổ túc Trung học phổ thông. Mức chi hỗ trợ học phí cho mỗi học sinh nhóm 2: Đối với nhà trẻ là 120.000 đồng/tháng; 100.000 đồng/tháng đối với trẻ mẫu giáo; 30.000 đồng/tháng đối với học sinh Trung học cơ sở và bổ túc Trung học cơ sở; 100.000 đồng/tháng đối với học sinh Trung học phổ thông và bổ túc Trung học phổ thông. Riêng học sinh tiểu học không thu.

Kinh phí thực hiện khoảng 427 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố, áp dụng cho học kì I năm học 2021-2022. 

Theo UBND TP.HCM, Nghị quyết được thông qua sẽ kịp thời hỗ trợ, ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

ky-hop-thu-3-hoi-dong-nhan-dan-tphcm-khoa-x-voh.com.vn-anh2
Các đại biểu đã biểu quyết thông qua các tờ trình. (Ảnh: hcmcpv)

Cũng tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân khóa X, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã đọc tờ trình giới thiệu nhân sự bầu chức danh Ủy viên UBND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, đa số đại biểu tham dự tại kỳ họp (88/94 đại biểu tham dự kỳ họp) đã đồng ý bầu ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM; ông Tăng Chí Thượng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM và ông Đặng Quốc Toàn - Chánh Văn phòng UBND TPHCM là Ủy viên UBND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, để kiểm soát dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. "UBND TP, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, với tinh thần bám sát thực tiễn, chủ động, phát huy nội lực, tranh thủ có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp đã đề ra, không chủ quan khi dịch đi qua. UBND quan tâm làm tốt công tác dự báo nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới, khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản xây dựng nguồn nhân lực, con người, cơ sở vật chất phương thức vận hành, chủ động linh hoạt. Đồng thời bổ sung cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tình hình mới", Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM đề nghị.

Bình luận