Chờ...

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh: Sẽ có thêm 3 bệnh viện mới nhóm A ở cửa ngõ TP HCM

(VOH) - Với tổng mức kinh phí hơn 5.600 tỷ đồng từ ngân sách, TPHCM đầu tư xây dựng mới 3 bệnh viện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 8/2018.

Các dự án này nằm trong tổng thể phát triển TPHCM từ đây đến năm 2010 và tầm nhìn những năm tiếp theo.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình nỗ lực phấn đấu vì Thành phố có chất lượng sống tốt. Một khi quá tải vẫn còn là nỗi lo của người dân Thành phố thì việc đầu tư 3 công trình y tế nhóm A này là cấp thiết mang tính dân sinh cao. VOH đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP HCM.

* VOH: Thưa ông,mới đây một tin vui đến với người dân Thành phố là Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới 3 bệnh viện cửa ngõ. Xin ông thông tin cụ thể hơn về các dự án xây bệnh viện này

Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh: 3 dự án bệnh viện cửa ngõ này nằm trong 6 dự án trọng điểm của ngành y tế TPHCM theo quy hoạch ngành y tế TPHCM từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đây là những dự án trọng điểm. Trong ngành y tế ở cửa ngõ thì mình thì có 5 bệnh viện và 1 trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. 5 bệnh viện gồm có Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cửa ngõ phía Tây, Bệnh viện Ung bướu 1000 giường phía Đông ,, cùng 3 bệnh viện cửa ngõ là có Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức quy mô cũng 1000 giường -đây là 3 bệnh viện đa khoa.

Lý do làm ở cửa ngõ là vì ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân tại địa bàn thì còn đảm bảo nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân từ các tỉnh miền Đông, Đông Bắc, phía Bắc, phía Tây Nam. Phía Nam đã có Bệnh viện Cần Giờ và Nhà Bè, trên từng quận huyện đã có xây dựng bệnh viện đa khoa quy mô đảm bảo. Ba bệnh viện này cũng theo tiêu chí hiện đại cũng giống có Bệnh viện Nhi đồng và Ung bướu, đạt đẳng cấp khu vực Đông Nam Á ngoài cơ sở vật chất thì trang thiết bị phải hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay và trong tương lai. Nguồn nhân lực phải đào tạo chuẩn mực. Hiện nay trên cơ sở 3 bệnh viện khu vực, công suất của các bệnh viện này cũng tương đối, sẽ nâng cấp lên để phù hợp, nguồn nhân lực sẽ bổ sung.

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt thì ngày 2/10/2018, Sở Y tế cũng đã trình UBND TP để Ủy ban chỉ đạo Sở Xây dựng trình thông qua Thường trực Hội đồng Nhân dân trước 31/10 này đây là những dự án đầu tư công trong năm 2019 có như thế mình mới kịp thực hiện trong năm 2019

* VOH:Riêng về quá tải lớn nhất hiện nay của ngành y tế TP là ung bướu và chấn thương chỉnh hình thì ngành  y tế đã có giải pháp gì?

Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh: Dự án Bệnh viện Ung bướu kế hoạch quý 1 năm 2019 chúng ta sẽ hoàn tất, công tác hiện nay ở giai đoạn cuối. Chúng ta sẽ đưa vào vận hành đồng bộ luôn vì hiện nay Bệnh viện Ung bướu mình đã có cơ sở rồi, chứ không làm từng bước, từng khoa  như Bệnh viện Nhi đồng TP vì Bệnh viện Nhi đồng TP xây mới vận hành hơi khó.

Với bệnh viện này thì chúng ta đem toàn bộ đội ngũ cán bộ y tế có sẵn ra Bệnh viện Ung bướu mới, sau đó sẽ cải tạo lại bệnh viện cũ quy mô 500 giường nhưng hiện đại. Như vậy, sang năm sẽ có Bệnh viện Ung bướu mới 1000 giường, cải tạo bệnh viện cũ 500 giường. Nhưng như vậy cũng chưa đủ nên Sở đã chỉ đạo mở thêm các khoa Ung bướu tại các bệnh viện đa khoa

Về chấn thương chỉnh hình còn khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng Sở cũng đã chỉ đạo xây dựng 2 bệnh viện vệ tinh cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình là Bệnh viện An Bình và Bệnh viện Sài Gòn. Như vậy, tương lai Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sẽ xây quy mô 500 giường, Bệnh viện An Bình xây quy mô 200 giường, trong đó 100 giường dành cho chấn thương chỉnh hình, đặc biệt là Bệnh viện Sài Gòn quy mô 250 giường cuối năm nay sẽ hoàn tất trong đó dành cho 100 đến 150 giường cho chấn thương chỉnh hình. Còn một đề án của Bệnh viện Quân Y 175 thuộc Bộ Quốc phòng sang năm cũng sẽ hoàn tất bệnh viện chấn thương chỉnh hình quy mô 500 giường.

Như vậy,những chuyên khoa nóng bỏng sang năm sẽ hoàn tất là ung bướu, chấn thương chỉnh hình còn lại chuyên khoa sản tại Từ Dũ và Hùng Vương cũng đang xây những khu mới để bổ sung công suất hiện tại

* VOH: Để các bệnh viện khi xây dựng xong có thể đưa vào hoạt động phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân thì bài toán nguồn nhân lực được Sở Y tế chuẩn bị như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh: Có thể khẳng định TPHCM đáp ứng đủ nguồn nhân lực vì mình đã tăng chỉ tiêu đào tạo từ năm 2008.Đến nay đã 10 năm chúng ta thấy rõ điều đó. Năm nay, gần 500 em bác sĩ mới tốt nghiệp đã được đưa về tuyến quận, huyện để hỗ trợ tuyến quận, huyện sau này là phường xã. Riêng tuyến bệnh viện trung tâm thì đã có hỗ trợ tuyến quận, huyện qua chương trình luân phiên cán bộ 6 tháng đến 1 năm. Ủy ban đã có chỉ đạo và Sở bắt đầu thực hiện để sang đầu năm 2019 triển khai hàng loạt mục tiêu, mỗi trạm y tế được 2 bác sĩ.  Như vậy là coi như sang năm 2019, 2020 Sở hoàn tất theo Nghị quyết đề ra. Về nguồn nhân lực cách đây mấy năm mình đã chuẩn bị 300 bác sĩ cho Bệnh viện Ung bướu và 300 bác sĩ cho Bệnh viện Nhi đồng đã xong. Nhu cầu với 3 bệnh viện đa khoa khu vực cửa ngõ chúng ta cũng đáp ứng đủ luôn vì năm nay mình ra tới 600 bác sĩ, căn cứ vào tình hình mỗi năm sẽ bổ sung thêm. Như vậy , ngành y tế TP đáp ứng  đủ nguồn nhân lực./

* VOH: Cảm ơn ông