Giao lưu trực tuyến 'Kiểm soát, ứng xử đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi'

(VOH) - Bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại gần 2.300 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là trên 1.220.000 con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo cả nước.

Được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở NN&PTNT TP phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức giao lưu trực tuyến “Kiểm soát, ứng xử đúng về bệnh dịch tả heo châu Phi” để người dân hiểu đúng về bệnh dịch này.

Buổi giao lưu diễn ra vào sáng 18/5 với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ NN&PTNT; đại diện Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP; Sở Công thương TP; Sở Y tế TP; Cục Quản lý thị trường TP…

Giao lưu trực tuyến,bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch tả heo châu Phi

Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 12/5, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại gần 2.300 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố với tổng số heo bị bệnh và phải tiêu hủy là trên 1.220.000 con, chiếm hơn 4% tổng đàn heo cả nước.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay: Bệnh dịch tả heo châu Phi mặc dù không gây bệnh cho con người nhưng lại là bệnh rất nguy hiểm cho đàn heo (cả heo nhà và heo rừng), chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi rút có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng cao, đường truyền lây rất đa dạng, khó kiểm soát...

Hiện nay, chăn nuôi hộ gia đình nhỏ lẻ ở nước ta còn chiếm đa số, một số vùng có mật độ chăn nuôi cao...Việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, ngăn chặn các yếu tố làm lây lan dịch bệnh là rất khó khăn...Trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh lây lan là vẫn rất cao và diễn biến có thể phức tạp, bệnh có thể lây lan sang các địa phương chưa có dịch. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, an toàn sinh học để hạn chế lây lan.

Chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi xảy dịch bệnh được áp dụng theo Nghị định số 02/2017 của Chính phủ; đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2019, trong đó có hỗ trợ tối thiểu bằng 80% giá thị trường đối với heo bị tiêu hủy. Trường hợp người dân giấu dịch, sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Theo Sở Y tế TP và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP, thịt heo bị tả châu Phi sẽ có một số dấu hiệu như xuất huyết (nổi sần đỏ) dưới da, nội tạng. Thịt kém đàn hồi và rỉ dịch, thịt có màu xanh tái, bầm chứ không đỏ tự nhiên như thịt tươi. Khi heo bị tả châu Phi sẽ là heo chết (100%), không được đưa vào giết mổ hợp pháp. Các dấu hiệu heo bị tả châu Phi cũng tương tự như đặc điểm của thịt heo chết.

Giao lưu trực tuyến,bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch tả heo châu Phi

Hiện nay, không chỉ dịch tả heo châu Phi mà bất cứ thực phẩm tươi sống nào cũng có những nguy cơ và diễn biến dịch bệnh phức tạp (Ví dụ heo thì có bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh..., thịt bò trước đây có bệnh bò điên, cũng có lở mồm long móng, gà vịt thì bị cúm gia cầm...).

Vì vậy, các cơ quan chức năng phải thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng phải có ý thức lựa chọn thực phẩm tươi sạch, có nguồn gốc rõ ràng và mua tại các cửa hàng hợp pháp.

Thực phẩm nên dược nấu chín kỹ. Riêng bệnh tả heo châu Phi không lây qua người (không gây bệnh tả cho người) nên không cần phải e ngại ngừng ăn thịt heo../.