Chờ...

Hãy nói không với ma túy, mại dâm vì hạnh phúc của mỗi gia đình

(VOH) - Sáng 22/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Khát vọng yêu thương” - truyền thông về Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Chương trình nhằm mục đích chia sẻ mô hình kinh nghiệm hay, cách làm tốt, đánh giá những kết quả, khó khăn và bàn giải pháp thực hiện trong thời gian tới về công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn TPHCM.

Theo thống kê của Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội TPHCM, hiện có trên 3.200 người hoạt động mại dâm và gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Hai năm vừa qua Chi cục đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ người bán dâm hoàn lương với các mô hình như: Mô hình “Tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”; mô hình “Hỗ trợ, can thiệp giảm hại đối với nữ lao động đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ” và mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm”.

Qua hơn 02 năm triển khai đã tổ chức 05 đợt khảo sát với 3.500 người; 09 lớp tập huấn, 24 buổi truyền thông về pháp lý và 20 buổi tư vấn pháp lý chuyên sâu; 36 trường hợp hỗ trợ học nghề, vay vốn với tổng số tiền trên 900 triệu đồng.

Chị Đỗ Thị Bích Chi, ngụ quận 4 chia sẻ: hơn mười năm trước, chồng chị bỏ đi, để lại cho chị cô con gái chưa tròn tuổi. Con nhỏ, lại thường xuyên đau yếu, bản thân chị cũng không nghề nghiệp nên chị không còn cách nào khác là phải ra “đứng đường”. Bây giờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM hỗ trợ học nghề, giúp chị hoàn lương, đó là điều may mắn với chị. Chị Chi cho biết gặp rất nhiều khó khăn, mới về không có gì trong tay, tìm việc làm thì không có nghề, muốn buôn bán thì không có vốn.  Từ khi về thì được Hội LHPN bảo lãnh, hỗ trợ đi học may sau đó về nhận hàng gia công tại nhà. “Công việc vất vả hơn trước nhiều, có lúc mình muốn quay lại làm nghề, nhưng được sự quan tâm, động viên của Hội mình phải sống như thế nào để còn vì các con nên mình cũng cố gắng để vượt qua”, chị Bích Chi chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Ngoan – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội

Ông Nguyễn Văn Ngoan (trái) – Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội TPHCM

Ông Nguyễn Văn Ngoan - Phó Chi Cục trưởng, Chi Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội TPHCM cho biết: Thời gian qua công tác phòng chống tệ nạn xã hội đạt được một số kết quả nhất định như tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về trách nhiệm phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực, có hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mại dâm được thực hiện một cách tích cực, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; đấu tranh xử lý các tụ điểm mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có yếu tố nước ngoài được tăng cường; công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Ngoan cho biết, trong quá trình hỗ trợ cho người bán dâm thì cũng gặp một số khó khăn. Người bán dâm dễ bị tổn thương và có nguy cơ không an toàn về tính mạng, sức khỏe, bị bạo lực. Mặc dù hành vi của họ là vi phạm pháp luật nhưng để đảm bảo cho sự bình đẳng thì có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ đảm bảo các quyền lợi, lợi ích chính đáng của họ bị xâm phạm. Do đó cũng cần có những chính sách của nhà nước để hỗ trợ người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ xã hội giúp họ ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Theo bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay, công tác phòng chống tệ nạn xã hội luôn luôn là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và kéo dài, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, kinh nghiệm còn lúng túng, đòi hỏi sự chủ động, tích cực, nỗ lực của những người trực tiếp làm công tác này. Do đó, phải giải sớm quyết vướng mắc về cơ chế chính sách, quy trình thực hiện để phù hợp hơn cho đối tượng phụ nữ bán dâm nhằm giảm hại và không có sự kỳ thị, phân biệt đối xử, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. “Chúng tôi cũng kiến nghị đề xuất những chính sách đặc thù đề làm sao tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng chính sách cũng như vốn vay ưu đãi cho đối tượng phụ nữ mại dâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng phụ nữ mại dâm hoàn lương trở về có thể tiếp cận được các nguồn vốn tìm được công ăn việc làm và có cuộc sống ổn định ngay tại địa phương của họ”, bà Giang nói.

Bà Đặng Hương Giang

Bà Đặng Hương Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phát biểu tại buổi truyền thông.

Bà Đặng Hương Giang cũng mong muốn mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hãy đề cao cảnh giác đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng, các tổ chức xã hội và cơ quan pháp luật để phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, góp phần giữ gìn môi trường sống lành mạnh từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng. Tránh xa ma túy, mại dâm để bảo vệ hạnh phúc của chính mình. Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống mại dâm; đánh giá kết quả, hiệu quả việc thực hiện các chương trình can thiệp, giảm tác hại cho nhóm người bán dâm.