Hội nghị tiếp xúc với sự tham dự của 100 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 280.000 doanh nghiệp và 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động, gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do ở khu vực phi chính thức, tỷ lệ lao động nữ chiếm 45%.
Với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, sau 15 năm, thành phố đã đưa vào sử dụng 31 dự án nhà ở xã hội với 1,55 triệu m2 sàn, tương ứng 18.800 căn hộ. Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 – 2020, đã có 19 dự án nhà ở xã hội hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,19 triệu m2 sàn, tương ứng 14.900 căn hộ. Từ năm 2005 đến nay, Quỹ Phát triển nhà ở TP đã hỗ trợ cho hơn 5.550 đối tượng có thu nhập thấp là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách TP được vay tiền để tạo lập nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở xã hội với trên 2.802 tỷ đồng.
Nhằm nắm bắt nhu cầu nhà ở của cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động Thành phố, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố hối hợp Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức phiếu khảo sát trực tuyến về nhu cầu nhà ở từ ngày 12/4 đến 17/4/2022. Theo đó, đã có 40.950 cử tri nữ công nhân, viên chức, lao động tham gia khảo sát. Trong đó, có 41% đang ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình; chỉ có 17% có nhà ở tại Thành phố. Về nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, có 64% có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; 70% có nhu cầu mua nhà cho từ 3 đến 4 người ở; 81,4% có nhu cầu mua nhà với diện tích từ 50m2 đến 70m2… Với khả năng trả nợ, 76% có thể trả trước dưới 500 triệu đồng khi thực hiện vay vốn để mua nhà; 53% lựa chọn thời hạn vay từ 10 đến dưới 15 năm. Về giá trị nhà, 36% lựa chọn mua nhà từ 0,5 tỷ đến dưới 1 tỷ; tiếp đến là 34% lựa chọn mua nhà từ 1 tỷ đến dưới 1,5 tỷ.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Dũng đề nghị công nhân, viên chức, lao động hiện nay có những giải pháp, hiến kế để giúp thành phố thực hiện được kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2.500.000m2 sàn xây dựng và 95% vốn huy động của thành phần kinh tế tư nhân theo Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2016 – 2025.
Cử tri Lâm Kiều Thanh, ngụ tại Quận 6, làm nghề xe công nghệ đã 6 năm nay, gia đình có 4 người, đến nay vẫn sống nhờ nhà mẹ ruột của chị. Căn nhà chật chội vì có cả ba thế hệ chung sống, chị không dám nghĩ đến chuyện mua nhà, vì lương không tăng nhưng vật giá tăng liên tục. Chị Thanh kiến nghị Thành phố có chính sách giúp công nhân được mua nhà ở xã hội để giảm bớt gánh nặng, áp lực về nhà ở: “Nghề của mình làm bữa nào xào bữa đó, chứ giờ mà đưa trước 200 - 300 triệu là không có. Bây giờ, giúp đỡ lao động nghèo có một tổ ấm nho nhỏ rồi hàng tháng hoặc hàng tuần đóng tiền góp thì còn khả thi hơn, chứ đưa trước 200 - 300 triệu là không có. Khi mua nhà là phải có một số tiền cũng kha khá. Nhà có 4 thành viên, muốn mua một căn nhà ít nhất cũng phải trên 60m2 và phải có ít nhất 500 triệu thì khả năng tụi em không có”.
Bà Vũ Thế Vân – Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM cho rằng, nhà ở là vấn đề quan tâm của đại đa số người lao động, đặc biệt là công nhân tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp, nhất là sau hai năm qua dịch bệnh bùng phát thì người lao động gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nhà ở. Để quan tâm đến đối tượng này mong nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có những chế độ chính sách, nhà ở xã hội vì: “Không phải công nhân nào cũng có điều kiện để mua nhà ở xã hội. Qua khảo sát đối với công nhân của khu, theo tôi nên chăng có chế độ hỗ trợ về cho thuê nhà với mức hợp lý để tạo điều kiện cho người lao động yên tâm trong cuộc sống cũng như giúp họ an tâm cùng với doanh nghiệp, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh”.
Bà Trần Thị Diệu Thúy – Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, sau khi khảo sát nhu cầu thực tế của các nữ công nhân lao động thì đa số họ là dân ngoại tỉnh và chỉ có nhu cầu được thuê nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi, chỗ ở sạch sẽ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quỹ đất và các chính sách pháp luật không giải quyết được, do đó sự tham gia của các doanh nghiệp rất khó khăn. “Nhu cầu về nhà ở của nữ công nhân rất lớn mà hiện nay rất bức xúc và thành phố đã thấy và luôn luôn đau đáu vấn đề này đối với công nhân lao động thành phố. Tuy nhiên, vấn đề về pháp lý thì chưa gỡ được để có sự tham gia của các doanh nghiệp. Đặc biệt là chất lượng ở các khu nhà trọ thì cũng ở mức độ nào đó và cần phải có chính sách cho người thuê trọ, cho chủ nhà trọ để nâng chất lượng này lên”, bà Thuý cho biết thêm.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, vấn đề là chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế. Trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở đó là 47 dự án (có 10 dự án bắt buộc chủ đầu tư phải dành ra 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội), tập trung chủ yếu ở các quận 7, quận 2, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.