Hội nghị sơ kết thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015-2022

(VOH) - Chiều 14/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015-2022 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phát triển, đồng thời thể chế hoá mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Sau 7 năm thực hiện, một số quy định, chính sách Luật giáo dục nghề nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết Định số 2222/ QĐ-TTg ngày 30/12/2021 và phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.  

Hội nghị sơ kết thi hành chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015-2022 1
Toàn cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận góp ý, nghiên cứu sâu tài liệu để đảm bảo việc nghiên cứu, rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những kết quả đạt được cũng như vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện.  Qua đó có cái nhìn tổng thể, tìm ra các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nhằm đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp của các nước phát triển trong khu vực, thế giới và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Ngoài ra cần rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa những chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp với những chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng, các Bộ Luật/ Luật hiện hành và các công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, những vấn đề mới phát sinh cần được điều chỉnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp để hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngày càng phát triển và tiệm cận với công tác đào tạo nghề của khu vực và thế giới.

Bình luận