Họp mặt mẹ Việt Nam anh hùng, nữ thương binh tại đền Bến Dược

(VOH) -Dịp này đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Tư lệnh Thành phố đã đến thăm và tặng quà cho 2 mẹ Việt Nam anh hùng: mẹ Nguyễn Thị Hôn (xã Phú Mỹ Hưng) và mẹ Nguyễn Thị Nghi (xã An Phú).

Ngày 22/7, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ “Họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ” tại đền Bến Dược – Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi. Đây là dịp thể hiện tinh thần yêu nước, tình cảm và nhận thức của các cán bộ, hội viên phụ nữ Thành phố, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Thành phố với từng giai đoạn lịch sử cách mạng của quân và dân ta.

Theo Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố cho biết, những chiến công vang dội của các mẹ, các dì sẽ mãi được lưu giữ trong trang sử nước nhà. Theo ông, các mẹ Việt Nam anh hùng, những nữ tù chính trị là tấm gương tiêu biểu cho những phẩm chất quý giá như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã phong tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để các cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Họp mặt mẹ Việt Nam anh hùng, nữ thương binh tại Đền Bến Dược 1
Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Thành ủy viên - Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố và Chủ tịch Hội LHPN TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân tặng quà cho các mẹ, các dì những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.

Chương trình còn giao lưu với những dì từng trực tiếp tham gia chiến đấu, điển hình như bà Võ Thị Trong, Trưởng ban liên lạc Đội nữ du kích Củ Chi, bà kể, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng tại ấp Phú Hòa, xã Phú Mỹ Hưng huyện Củ Chi. Năm 1963, bà Trong làm Ðội trưởng thiếu nhi ấp Phú Hòa, tham gia các hoạt động liên lạc cho cách mạng. Khi vừa tròn 15 tuổi, bà xin vào đội du kích ấp Phú Hòa, để trực tiếp tham gia đánh giặc. Khoảng năm 1965 - 1966, Mỹ vào chốt Ðồng Dù, đánh phá ác liệt các vùng giải phóng, người dân bị dồn vào ấp chiến lược. Thời điểm này, bà được phân công tham gia chiến đấu cùng bốn đồng chí của Tiểu đoàn Quyết Thắng. Với sự dũng cảm, mưu trí, bà cùng đồng đội đã lập công lớn, bắn cháy và phá hủy 25 xe tăng, xe bọc thép, bẻ gãy hoàn toàn trận càn của địch. “Nữ mà tham gia cách mạng trong lúc bom đạn nên gặp rất nhiều khó khăn. Củ Chi là chiến trường rất ác liệt. Mỹ tập trung rất nhiều hỏa lực đánh vào đất Củ Chi. Khi đó tôi tham gia du kích ở địa phương, tham gia đào chiến hào, địa đạo, đánh trống càn. Rồi trực tiếp đánh giặc cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh. 3 lần bị bắt, 2 lần thì ở tù lâu, còn 1 lần bị ở tù trong 3 tháng. Bị tra tấn, đánh đập bể một xương cánh tay, bị nhiễm trùng phải cắt bỏ 1 cánh tay”, bà Võ Thị Trong kể.

Trong cảm xúc dâng trào của những đồng đội, những thế hệ gặp nhau, cho dù có những đồng đội đã không còn và những đồng đội vẫn còn hiện diện ngày hôm nay, bà Vũ Minh Nghĩa - Bí danh Chính Nghĩa, cựu biệt động Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em tại xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TPHCM). Cha mất khi bà mới lên 2 tuổi, một mình mẹ bà tần tảo nuôi 8 người con. Vậy nhưng bà vẫn cùng các bà mẹ khác góp sức cho kháng chiến bằng những bữa cơm và tiếp tế lương thực cho bộ đội. Lớn lên giữa không khí cách mạng, 12 tuổi cô bé Vũ Minh Nghĩa đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật tại xã, nhớ lại những giây phút huy hoàng thời kháng chiến. Lòng đầy tự hào và xúc động, bà cho biết: “Khi tham gia cách mạng, mình cũng xác định cái khó khăn là một bước đường để thử thách cho bản thân. Xác định được cái đó thì mình mới vượt qua tất cả những đòn roi trong khi chiến đấu hoặc trong khi lọt vào tay giặc. Tôi cũng luôn luôn giữ được phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ và giữ được khí tiết, làm sao để rạng danh giới phụ nữ, đóng góp lại cho đất nước. Mình đừng làm gì để mất thanh danh, mất khí tiết của một người cán bộ, một bộ đội trong thời chiến tranh”.

Còn với bà Nguyễn Thị Lập Quốc, Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, nếu thế hệ cha ông đi trước đã có công gầy dựng thì thế hệ trẻ ngày nay phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị đó, quan trọng nhất là phải chú ý nuôi dưỡng giá trị bản thân. “Đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay, các bạn được sinh ra trong bối cảnh đất nước hòa bình và Việt Nam đang sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Xung quanh của chúng ta hằng ngày không ít những gương tuổi trẻ tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực. Đời người chỉ sống có một lần. Hãy sống sao để không sống hoài, sống phí, để khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta có thể nói rằng cuộc đời mình đã cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại nhất thế giới. Đó là sự nghiệp giải phóng con người”, bà Quốc tự hào.

Họp mặt mẹ Việt Nam anh hùng, nữ thương binh tại Đền Bến Dược 2
Đoàn chụp hình lưu niệm tại Đền Bến Dược – Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi.

Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Tư lệnh Thành phố đã gửi đến các mẹ, các dì những phần quà ý nghĩa nhằm thể hiện tình cảm và trách nhiệm đối với những nhân chứng sống trong lịch sử chiến tranh của dân tộc, những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.