Kế hoạch 187: Hỗ trợ đào tạo nghề - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP

VOH - Để thích ứng với những thay đổi về kinh tế-xã hội, thành phố ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để định hướng việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ lần thứ 237, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội  tổ chức, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thêm nội dung Kế hoạch 187/KH-UBND.

Kế hoạch số 187/KH-UBND: hỗ trợ đào tạo nghề - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP 1
Đoàn chủ tọa tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố lần thứ lần thứ 23 - Ảnh: Huệ Như

TPHCM có trên 250.000 doanh nghiệp, cơ sản sản xuất kinh doanh với lực lượng lao động hơn 4.800.000 người, hơn 360 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Mỗi năm có khoảng 190.000 người tốt nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ chủ yếu và 8 ngành đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng theo yêu cầu chất lượng quốc tế.

Nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cũng như giúp đào tạo các nghề mới phù hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngày 19/1/2021, UBND TPHCM ban hành kế hoạch 187, về hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo kế hoạch, người lao động, không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi với nữ, đang làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn được cử tham gia các khoá đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng được hỗ trợ một lần 100% chi phí đào tạo, nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người/khóa học.

Nguồn kinh phí từ ngân sách thành phố bố trí tại Sở Lao động thương binh và Xã hội, thực hiện trong chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố hàng năm.

Kế hoạch số 187/KH-UBND: hỗ trợ đào tạo nghề - Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TP 2
Các doanh nghiệp nêu thắc mắc về các vấn đề liên quan đến đào tạo nghề cho lao động tại TPHCM - Ảnh: Huệ Như

Trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức hỗ trợ và các chi phí phát sinh khác thì phần chi phí chênh lệch sẽ do doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng người lao động thỏa thuận đóng góp. Có thể có sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Kế hoạch này ưu tiên cho người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo sẽ do doanh nghiệp lựa chọn dựa trên ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và trong danh mục ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng (Quyết định 3560/2021 của UBND TPHCM về ban hành Danh mục nghề đào tạo cho người lao động trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025).

Đơn vị đào tạo là tất cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động trên địa bàn được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc văn bản chấp thuận chủ trương của Sở Lao động thương binh và Xã hội TPHCM

Doanh nghiệp và người lao động có thể liên hệ với Sở Lao động thương binh và Xã hội để đăng ký và được hướng dẫn cụ thể. Trên cơ sở đó, Sở Lao động thương binh và Xã hội thành phố sẽ lập các thủ tục để đặt hàng và giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bình luận