Theo báo cáo, kết quả thực hiện mục tiêu Đề án giai đoạn 2010 - 2015, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 34.800 người, có gần 9.800 người học nghề nông nghiệp và hơn 25.000 người học nghề phi nông nghiệp.
Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 55.700 người lao động, đạt tỷ lệ 101,3% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện Quyết định số 1956, Thành phố đã đào tạo nghề cho trên 90.500 lao động nông thôn, sau học nghề có 85% lao động có việc làm, số còn lại tự tạo hoặc tự tìm việc làm.
Trong thời gian tới, thành phố cũng đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 với các nội dung trọng tâm: Ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc diện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lao động nữ; Gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề; Tăng cường tín dụng đối với lao động nông thôn được tiếp cận và vốn vay ưu đãi, vốn vay hỗ trợ lãi suất, nhằm mở rộng hỗ trợ sản xuất, thu hút lao động tại chỗ để giải quyết việc làm; Huy động các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, nông dân sản xuất giỏi có đủ điều kiện tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời kiến nghị nâng thêm mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phù hợp với giai đoạn mới; Mở rộng đối tượng thụ hưởng là đối tượng lao động nông thôn khác có hộ khẩu tạm trú tại xã, phường, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội cho biết thêm: “Trong giai đoạn tiếp theo trong khi chờ chính phủ ban hành các chính sách mới về đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì TPHCM vẫn tiếp tục thực hiện. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố trong thời gian qua và hướng tới sẽ quyết liệt hơn nữa, theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại và có ứng dụng cao công nghiệp 4.0, nên việc dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới phải chuyển hướng theo mô hình phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Kinh nghiệm của 10 năm qua là nền tảng để triển khai chắc chắn, hiệu quả trong những năm tiếp theo về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.
Dịp này, ban tổ chức trao tặng Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố cho 14 tập thể và 34 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2010-2020.