Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, đào tạo nghề

(VOH) - Muốn đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề trước hết phải nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề.

Đó là một trong những giải pháp mà các đơn vị đề ra để đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo nghề trong thời gian tới với hy vọng công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp của TPHCM sẽ đạt nhiều kết quả.

Thực hiện mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và công nghiệp hoá-hiện đại hóa của Thành phố, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP đã xác định mục tiêu đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp như; điều chỉnh mạng lưới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Trong đó có chú trọng điều chỉnh mạng lưới cơ sở dạy nghề phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đầu tư phát triển trường nghề chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ khoa học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Tại tọa đàm thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức mới đây, ông Đặng Minh Sự - Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: "Nâng cao uy tín của các cơ sở giáo dục với xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện mô hình đào tạo kép nhà trường và doanh nghiệp nhằm đưa thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất đưa vào nhà trường, rút ngắn thời gian hoặc loại bỏ việc doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động sau đào tạo như hiện nay".

Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, đào tạo nghề

Muốn đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề trước hết phải nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề. Ảnh minh họa: dansinh

Ông Trương Văn Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp và Đại học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: hiện Sở đã đề ra một số giải pháp về phân luồng định hướng nghề nghiệp với mục tiêu 100% các trường trung học cơ sở phải có giáo viên chuyên trách về công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, 100% các trường của thành phố phải có phần mềm chuyên dụng để khảo sát về năng lực về năng khiếu để cho học sinh đi vào học ngành nghề thuộc giáo dục nghề nghiệp, thứ hai là hỗ trợ 100% học phí cho học sinh học nghề đối tượng giáo dục nghề  nghiệp. Mục tiêu thứ ba là bồi dưỡng 25% giáo viên cơ sở Giáo dục nghề nghiệp có điều kiện nâng cao trình độ ở nước ngoài theo định kỳ 1 lần 1 năm.

Bên cạnh đó, Sở cũng đề ra những giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời, đổi mới cơ chế chính sách đối với người học những người dạy và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Để nâng cao công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học, ông Trương Văn Hùng, cho rằng: "Tăng cường công tác thông tin, truyền thông định hướng nhận thức của xã hội về công tác phân luồng, phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Phân công cán bộ chuyên trách công tác hướng nghiệp, phân luồng đến các địa phương, gắn việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng với các phong trào thi đua tại địa phương".

Nhiệm vụ đặt ra đối với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong thời gian tới là: nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin, truyền thông trong việc thay đổi tuyên truyền nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao,đặc biệt nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo gắn kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ.

Ông Đỗ Văn Dũng - Bí thư, hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho rằng đa phần các trường cao đẳng dạy nghề cách kể cả hệ thống Đại học Việt Nam hiện nay chưa chuyển biến kịp với thời đại cấp độ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra rất nhanh. Do đó, muốn đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nghề trước hết phải nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề: "Mong muốn trong thời gian tới sẽ kết hợp để cùng nhau giúp các giáo viên ở các trường trong thành phố đổi mới phương pháp, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới thiết bị và  đặc biệt đổi mới tư duy rất quan trọng nếu tư duy không đi trước một trước một bước thì chúng ta sẽ thất bại trong công cuộc đổi mới này".

Tại tọa đàm thực trạng và giải pháp nâng cai chất lượng công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của TP do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Liên - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thường xuyên huyện Nhà Bè đề xuất giải pháp tăng số lượng tuyển sinh đó là cần tăng cường thông tin xã hội khuyến khích mạnh mẽ dạy nghề, học nghề cho người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể trong hệ thống chính trị. Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo khi đã hoàn thành tư vấn tuyển sinh thì quan trọng nhất là làm sao truyền cho họ một kỹ năng nghề đủ yêu cầu của doanh nghiệp cần tuyển dụng tạo điều kiện để tham gia vào thị trường lao động có như thế thì họ mới ổn định cuộc sống cá nhân và gia đình.

Ngoài hình thức đào tạo tập trung tại trung tâm dạy nghề thì có thể phát triển các hình thức bồi dưỡng nâng bậc thợ đào tạo theo phương thức hợp đồng liên kết đào tạo nghề lao động cho các lao động là phụ nữ có độ tuổi cao không có khả năng vào các nhà máy xí nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất được học nghề để tự giải quyết việc làm tại chỗ, kết hợp với trung tâm khuyến nông Hội Nông dân dạy nghề cho nông dân từ đó chuyển đổi cho người lao động phù hợp nhu cầu đô thị hóa nông thôn hiện nay: "Để thực hiện nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo thì phải cải tiến cập nhật và phong phú hóa chương trình đào tạo gắn với yêu cầu sử dụng lao động trong sản xuất kinh doanh và nhu cầu phát triển ngành nghề của xã hội, nâng cao năng lực của giáo viên, bảo đảm số lượng đủ cho từng ngành nghề, từng bước nâng cao chất lượng học viên tốt nghiệp".

Với những giải pháp, hoạch định của các đơn vị trong công tác đào tạo nghề trong thời gian tới, hy vọng công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp của TPHCM tiếp tục đạt nhiều kết quả, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, Nghị quyết 54 của Quốc hội để xây dựng TPHCM thành Thành phố thông minh, Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bình luận