Áp lực đào tạo nghề trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(VOH) - Sử dụng thế mạnh là gắn kết với các doanh nghiệp trên cơ sở các thiết bị của các doanh nghiệp đó để phối hợp cùng gắn kết đào tạo tại doanh nghiệp.

Sáng nay 24/5, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP tiếp tục có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác giáo dục nghề nghiệp – đào tạo nghề - giải quyết việc làm gắn với đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, quận Tân Bình.

 cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề

Thầy Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng báo cáo tại buổi giám sát.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Hữu Lộc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, ngoài những thuận lợi thì hiện các trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị đồng bộ còn nhỏ lẻ không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ.

Máy móc thiết bị đầu tư nhanh lỗi thời; công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn vì các trường cao đẳng gần như phải tự tìm học viên vì không có nguồn thông tin nào để tiếp cận tuyển sinh đầu vào.

Tuy nhiên, về công tác đào tạo nghề hàng năm trường chủ động khảo sát nhu cầu của trên 1.000 doanh nghiệp để hợp tác đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

 cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề

Các em học sinh Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng đang thực hành trên máy tính về CNC

Kết quả, số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng đạt 85%. Tỷ lệ người tốt nghiệp có việc làm phù hợp sau 12 tháng đạt trên 90%. Ngoài ra, trường cũng đưa ra giải pháp là hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc ký kết các hợp đồng liên kết, đào tạo ngắn hạn:

"Hiện nay nhà trường cũng phát triển theo bối cảnh công nghiệp 4.0 thông qua việc đầu tư các trang thiết bị, đào tạo các ngành nghề theo các thiết bị công nghệ hiện đại. Đồng thời sử dụng thế mạnh là gắn kết với các doanh nghiệp trên cơ sở các thiết bị của các doanh nghiệp đó để phối hợp cùng gắn kết đào tạo tại DN. Đây là một cái thuận lợi của nhà trường".

 cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đào tạo nghề

Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, quận Tân Bình

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP đề nghị: "Phải chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên về quản trị, giáo trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới máy móc trang thiết bị hiện đại chứ không thể đào tạo theo những trang thiết bị lạc hậu, cũ kỹ.

Bình luận