Kết quả Hội nghị lần thứ 15  Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng

Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM quý 2 năm 2022 tăng 5,73% và tính chung cả 6 tháng đầu năm tăng 3,82%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 238.000 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán năm và tăng 17,5%

Thực hiện Chương trình làm việc năm 2022 của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy khóa XI, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng được tổ chức vào ngày 5/7/2022. Hội nghị diễn ra theo hình thức tập trung mở rộng, thảo luận tại tổ và hội trường. Các đồng chí Thường trực Thành ủy chủ trì Hội nghị.  

Kết quả Hội nghị lần thứ 15  Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng 1
Quang cảnh hội nghị

Ban Tuyên giáo Thành ủy thông tin với báo chí kết quả Hội nghị như sau:

Kết quả Hội nghị lần thứ 15  Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI mở rộng 2

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy phát biểu khai mạc Hội nghị.

Về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022:

Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, bước vào năm 2022, trong bối cảnh hết sức khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế quý 3 và quý 4 năm 2021 giảm sâu; tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến triển vọng phục hồi, phát triển kinh tế của thành phố. Song, với tinh thần mạnh mẽ, khí thế hăng hái thi đua, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022 đã có những chuyển biến hết sức quan trọng: giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 2 năm 2022 tăng 5,73% và tính chung cả 6 tháng đầu năm tăng 3,82%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 238.000 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so với cùng kỳ… Mặc dù vậy, còn không ít khó khăn, thách thức: nguy cơ lạm phát, giá tiêu dùng tăng cao, thị trường lao động thiếu ổn định, chỉ số cải cách hành chính bị tụt hạng; triển khai kế hoạch đầu tư công còn chậm, khả năng hấp thụ vốn của nhiều lĩnh vực còn thấp… Bên cạnh đó, thành phố vẫn chưa cải thiện được những vấn đề cấp bách như: vi phạm trật tự xây dựng, giao thông, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đường sá ùn tắc, nhiều tuyến đường còn ngập, ô nhiễm môi trường…

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ thêm về tình hình, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của thành phố thời gian tới, nhất là những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế và xã hội thành phố và những tác động trực tiếp từ bên ngoài. Từ đó, góp ý, bổ sung, hoàn thiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 do Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất. Đặc biệt, xác định những giải pháp mang tính đột phá, có tính ưu tiên nhằm tạo xung lực mới, bảo đảm cho thành phố phục hồi toàn diện hơn, phát triển bền vững hơn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và các nhiệm vụ kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đã giao…

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022:

Đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, từ đầu năm đến nay, với chủ đề: “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần đoàn kết, khẩn trương, tích cực, chủ động, tạo sự chuyển biến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Hoạt động của các cơ quan lãnh đạo ngày càng bám sát các chương trình, mục tiêu, nghị quyết đề ra, tạo được hiệu quả, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Đã có rất nhiều hình thức linh hoạt trong tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, đối thoại thể hiện trách nhiệm cao đối với nhân dân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá rằng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thành phố còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế, có mặt chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đặt ra, chưa thực sự đổi mới quyết liệt nội dung, phong cách, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp và vận hành của bộ máy hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc, lúng túng, thậm chí có nơi, có lúc còn trì trệ, để chậm trễ công việc của dân; có một số khâu, một số lĩnh vực còn cản trở sự phát triển của thành phố và các địa phương. Công tác dân vận chính quyền và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, phong trào nhiều nơi còn có biểu hiện hình thức, có nơi chững lại. Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, xem xét và cho ý kiến để rút ra bài học kinh nghiệm; cần làm gì tiếp theo để bộ máy tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành, tăng cường kỷ cương và kỷ luật hành chính; nâng cao trách nhiệm thực thi và đạo đức công vụ trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hội nghị đã thảo luận và cho ý kiến về (1) Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022. (2) Báo cáo công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm 2022; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Các ý kiến thảo luận của đại biểu tại tổ và hội trường (có 103 đại biểu phát biểu với 110 lượt phát biểu góp ý tại tổ về 338 nhóm vấn đề và 06 ý kiến phát biểu tại hội trường) đã tập trung làm rõ, cung cấp thêm thông tin và nêu đề xuất, kiến nghị trên các nhóm vấn đề về công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; việc tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trên địa bàn thành phố; công tác đảm bảo an sinh xã hội; giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở, cổ phần hóa doanh nghiệp; công tác cải cách thủ tục hành chính, kết quả cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị năm học mới; việc phát huy vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội…

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phát biểu làm rõ thêm về đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm 2022; các vấn đề đặt ra và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 do Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất.

Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh khóa XI mở rộng, với tỷ lệ nhất trí cao (100%).

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, kết luận Hội nghị:

Về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022:

Hội nghị thống nhất đánh giá: trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chủ động thích ứng năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt các nhiệm vụ, mục tiêu, chính sách, cùng với nỗ lực vượt khó của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã có những chuyển biến quan trọng. Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát; sản xuất, tiêu dùng và các chuỗi cung ứng đã khôi phục; du khách đến thành phố tăng nhanh trở lại; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nhanh chóng phục hồi và cải thiện. Điều đó cho thấy kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, khá toàn diện và tương đối đồng bộ; niềm tin vào chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng tăng dần.

Hội nghị nhận định: trong 6 tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội những thuận lợi song phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo tình hình chính trị, kinh tế và dịch bệnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia. Thành phố Hồ Chí Minh tuy đã có sự phục hồi khả quan, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan.

Về khách quan, do kinh tế có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị, kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu thế giới, phức tạp và nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá tiêu dùng và lạm phát tăng cao, thị trường lao động thiếu ổn định, những vướng mắc, chồng chéo về chính sách, pháp luật, thể chế chậm được tháo gỡ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình, đề án, dự án trọng điểm. Nguy cơ dịch bệnh còn cao, diễn biến phức tạp, khó lường.

Về chủ quan, mặc dù đã rất nỗ lực song quản trị thực thi vẫn còn hạn chế nhất định, tinh thần trách nhiệm, chủ động thích ứng linh hoạt, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có lúc, có nơi, có việc còn yếu. Nhiều lĩnh vực còn dư địa phát triển nhưng chưa được khơi thông. Nhiều lĩnh vực còn vướng mắc, chậm trễ, tồn đọng kéo dài do thủ tục hành chính hoặc trách nhiệm của một số cán bộ thực thi.

Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn chủ quan, khách quan, hội nghị cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp do Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất. Đồng thời, để bảo đảm cho việc phục hồi, phát triển bền vững, quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu năm 2022 và những chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đề ra, Hội nghị nhấn mạnh 10 giải pháp cấp bách, cần ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thời gian tới.

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022:

Hội nghị thống nhất đánh giá từ khi kiểm soát dịch bệnh và bước vào giai đoạn tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và chỉ đạo giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách, tồn đọng của thành phố. Nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã cam kết và làm đúng, làm tốt nhiệm vụ được giao, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, gắn với trách nhiệm nêu gương, góp phần kiềm chế, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, có mặt chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn đặt ra; tinh thần đổi mới, sáng tạo, nội dung, phong cách, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ hành chính còn hạn chế. Sự vận hành của bộ máy và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp sở, cấp phòng vẫn còn chậm trễ, có nơi vướng mắc, có nơi trì trệ một số khâu, một số lĩnh vực đã làm ảnh hưởng chất lượng, tiến độ thực thi nhiệm vụ.

Hội nghị thống nhất các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận 6 tháng cuối năm 2022 do Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất, đồng thời nhấn mạnh 07 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó, tập trung kiện toàn bộ máy lãnh đạo thành phố, nhất là bộ máy chính quyền cấp quận, cấp phường, đủ sức đảm đương và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra ngày càng lớn, làm tốt công tác dân vận chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra động lực mới để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.