Khi người trẻ mê nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhiều ý tưởng, dự án nghiên cứu thuộc các lĩnh vực như: canh tác trong nhà màng không sử dụng đất; công nghệ sinh học nông nghiệp…đã bắt đầu hấp dẫn giới trẻ.

Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, đặc biệt là Internet vạn vật (Internet Of Things) gọi tắt là IoT trong canh tác nông nghiệp, nhiều bạn trẻ đến từ các trường đại học, các công ty khởi nghiệp đã mạnh dạn thử sức mình ở một lĩnh vực mới: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nhiều ý tưởng, dự án nghiên cứu thuộc các lĩnh vực như là canh tác trong nhà màng không sử dụng đất; công nghệ sinh học nông nghiệp; chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp; chế biến và bảo quản nông sản…đã bắt đầu hấp dẫn giới trẻ.

"Bùng nổ" IoT trong nông nghiệp

Ứng dụng Inernet vạn vật trong canh tác nông nghiệp được xem là một lĩnh vực rất mới và rất tiềm năng cho sản xuất nông nghiệp của Thành phố nói riêng, cả nước nói chung. Những nền tảng kiến thức chuyên ngành khoa học, công nghệ đã được chính các sinh viên dựa vào đó để khơi nguồn các giải pháp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Những tưởng không có sự liên quan nào, thế nhưng việc ứng dụng công nghệ vào trong việc quản lý sáng tạo, là sự bổ sung lẫn nhau giữa việc áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, và dùng thực tiễn để làm cơ sở cho việc nghiên cứu.

Chuyên về Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Bách Khoa, nhưng Trần Phạm Duy lại mong muốn tìm kiếm một giải pháp nào đó cho nông dân. Dự án “Ứng dụng giám sát chất lượng nước trong môi trường thủy sản, thủy canh” ban đầu không hề suôn sẻ. Trần Phạm Duy nhớ lại, năm ngoái, cùng với cộng sự đã bắt tay nghiên cứu, nhưng chưa tìm ra được giải pháp nào tối ưu. Không dừng lại, Duy đã tiếp tục bổ sung kiến thức ở giảng đường, cộng thêm sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, học hỏi kinh nghiệm từ việc đi làm bên ngoài, Duy đã quyết định phát triển đề tài nghiên cứu này theo hướng mới.”

 “Người nông dân vẫn chưa thật sự áp dụng công nghệ vào sản xuất. Công nghệ của mình cũng không phải là mới, nhưng hướng đi của mình là tìm cách đưa nó đến gần gũi với người nông dân hơn, cả về mặt công nghệ lẫn marketing sản phẩm. Mình có nhiều lĩnh vực quan tâm, nhưng hiện giờ nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Nước ta gắn liền với nông nghiệp, mình phải làm nổi bật ngành nông nghiệp, nhất là bây giờ” - Trần Phạm Duy cho biết.

Trao giải cuộc thi sáng tạo IoT

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP (bìa phải) và ông Nguyễn Hải An (bìa trái) trao giải cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa diễn ra tại TPHCM. 

Không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, thế nhưng việc quản lý, theo dõi quá trình sinh trưởng của vật nuôi, cây trồng là khâu quan trọng quyết định năng suất của sản phẩm nông nghiệp. Và có lẽ, ở việc canh tác truyền thống, người nông dân thường không quen với khái niệm “chính xác”. Vì lẽ đó, nhóm bạn trẻ Lê Hữu Việt Anh, Nguyễn Song Hùng Anh nghiên cứu dự án “Ứng dụng công nghệ NFC trong quản lý thông tin và theo dõi cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, cung cấp nền tảng cho nông nghiệp chính xác”.

Từ đề tài luận văn tốt nghiệp, Hùng Anh cho hay nhóm quyết định phát triển theo hướng mới áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Về những ưu điểm của công nghệ NFC – công nghệ kết nối không dây phạm vi tầm ngắn, ứng dụng vào nông nghiệp.

“Ứng dụng của công nghệ NFC trong nông nghiệp, trước mắt mình thấy nó ưu điểm hơn mã QR Code ở chỗ thời gian sử dụng rất lâu, có thể lên đến 10 năm mới bị hư. Thứ hai là việc quản lý sự minh bạch cũng rất rõ ràng, vì, ví dụ với mã vạch QR Code thì người quản lý có thể chụp hình lại, cho ngày hôm sau. Như vậy, nó không còn đúng nữa”, Hùng Anh cho biết. 

Việc bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm. Đang là sinh viên Khoa Công nghệ Hóa – Thực phẩm, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhưng tình yêu đối với nấm đã thôi thúc hai bạn trẻ là Nguyễn Lê Tú Uyên, Nguyễn Mỹ Duyên, tìm kiếm giải pháp để tăng hiệu quả kinh tế từ nông sản này. Mỹ Duyên trăn trở, bà con trồng nấm hiện nay cứ tới đợt thu hoạch là chủ yếu bán nấm ở dạng tươi, thời gian bảo quản rất ngắn. Thay vì chờ nấm hết hạn sử dụng, nấm đổi màu, mất chất dinh dưỡng, thậm chí là có hại cho sức khỏe, hai bạn đã tìm ra công thức bảo quản, kéo dài thời hạn sử dụng để giúp người nông dân và cả người tiêu dùng.

Với dự án “Đổi mới sáng tạo trong chế biến nguyên liệu nấm sau thu hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế”, Mỹ Duyên cho hay: “Hiện nay em đang kêu gọi vốn đầu tư, đã hoàn tất công thức. Em nghĩ sẽ kiếm được nguồn nguyên liệu để hỗ trợ cho mình và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để phát triển sản phẩm và thương mại nó”.

Tăng cường hỗ trợ cho các dự án

Nhắc đến nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, không thể không nhắc đến vai trò của Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, trực thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM, được biết đến như “ông tơ - bà nguyệt” cho các dự án. Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm cho biết, một tín hiệu đáng mừng là thời gian gần đây, giới trẻ - nhất là các sinh viên trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận đã bắt đầu quan tâm, nghiên cứu nhiều đến các vấn đề trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực này được các bạn trẻ tìm tòi, nghiên cứu với nhiều giải pháp mang tính khả thi. Đơn cử, ở các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp của Việt Nam và TP tổ chức hai năm gần đây, các dự án đạt giải cao đều là ý tưởng liên quan đến ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. 

“Điều đó chứng tỏ khả năng nhìn nhận của các bạn trẻ về các vấn đề thực tiễn của nền kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp như an ninh lương thực, vấn đề gia tăng năng suất chất lượng. Đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm cho con người trong giai đoạn này. Tôi đánh giá các bạn trẻ ngày nay đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao",  Nguyễn Hải An cho biết. 

Với các dự án nghiên cứu mang tính khả thi, nhất là các dự án đạt giải từ cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò trung gian, là cầu nối giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Hải An cho biết thêm sẽ hỗ trợ cho các bạn trẻ có dự án mong muốn được thương mại hóa một cách đầy đủ nhất. Đó là từ cơ sở pháp lý, khả năng quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nhất là khả năng tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật công nghệ, để các bạn trẻ có cơ hội hoàn thiện dự án, tạo ra sản phẩm mẫu, sau đó là sản phẩm thương mại tiếp cận thị trường.

Đặc biệt, chìa khóa để các bạn trẻ có thể phát triển và chuyển giao công nghệ, đó là tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Sở Khoa học và Công nghệ TP với số tiền hỗ trợ tối đa cho mỗi dự án lên đến 2 tỷ đồng – Một khởi đầu cho đam mê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đang chờ và thử thách những người trẻ vì một nền nông nghiệp thông minh.

Hàng trăm tài xế taxi đến tòa theo dõi vụ kiện Vinasun - Grab - Sáng 17-10, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam và bị đơn là Cty TNHH Grab Taxi VN.
Giá tiêu hôm nay 17/10/2018: Giá tiêu tiếp tục đi ngang  – Hôm nay 17/10/2018, giá tiêu thị trường khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục đứng ở mức cao nhất 3 tháng qua.
Bình luận