Vai trò đầu tàu phát triển nông nghiệp phía Nam
Để hiện thực hoá chiến lược phát triển nông nghiệp, Khu Nông nghiệp công nghệ cao đóng vai trò dẫn dắt, định hướng phát triển nông nghiệp không chỉ cho Thành phố mà cả khu vực phía Nam với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (AHTP) chính thức hoạt động tháng 4/2010 - là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Việt Nam.
Với diện tích hơn 88ha, tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi được đầu tư từ ngân sách nhà nước, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM (KNNCNC) có 4 trung tâm: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Khai thác Hạ tầng và Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp Công nghệ cao.
Đã thực hiện nhiều nghiên cứu ở các lĩnh vực sản xuất giống hoa lan, cây kiểng và hoa các loại, sản xuất rau sạch, sản xuất nấm, cây dược liệu, sản xuất giống cá cảnh. KNNCNC còn triển khai các đề tài chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch, các ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa để sản xuất trà matcha từ lá vối, quy trình công nghệ sấy hồng ngoại ...
Ông Lê Văn Cửa, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao cho biết: "Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ, Trung tâm nghiên cứu Khu nông nghiệp công nghệ cao có các bước triển khai xây dựng mô hình dưa lưới trong nhà màng chuyển giao ở TPHCM, các tỉnh miền Đông nam bộ, các tỉnh miền Tây, miền Trung; quy trình nuôi cấy mô các sản phẩm hoa, rau ăn lá."
Dù cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung của Thành phố, nhưng Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM vẫn là 1 trong 10 khu nông nghiệp công nghệ cao mang tính dẫn đầu của cả nước.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM còn được giao nhiệm vụ dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ theo hướng chất lượng, giá trị, thân thiện môi trường.
Đào tạo và ươm mầm doanh nghiệp
Khu nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ cho hơn 2.000 tổ chức, cá nhân quan tâm đến chương trình ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Các lĩnh vực ươm tạo chủ yếu như: phân hữu cơ sinh học, nuôi trồng - chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, sản xuất rau sạch...
Tham gia chương trình ươm tạo, các đơn vị được hướng dẫn chuyên môn, hoàn thiện kế hoạch kinh doanh, quy trình công nghệ, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thiết yếu, hỗ trợ tài chính, tạo lập mạng lưới kinh doanh trong một môi trường thuận lợi... Đã có hơn 60% doanh nghiệp thành công sau khi hoàn thành chương trình ươm tạo.
Công tác đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao cũng góp phần phục vụ cho phát triển nông nghiệp của Thành phố.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết Thành phố hướng đến xây dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới với các phẩm chất là "người nông dân tử tế" và "người nông dân thông minh".
Từ 2018-2021, Thành phố đã xây dựng 22 kế hoạch, chương trình, đề án liên quan phát triển giống cây - con chất lượng cao, phát triển 6 nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp. Bình quân mỗi năm có hỗ trợ chuyển giao hơn 150 mô hình ứng dụng các giống mới cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ông Hiệp nói thêm.