Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COIVD-19 TPHCM, Công an thành phố đã thành lập 62 chốt kiểm dịch (16 chốt chính, 46 chốt phụ) tại các cửa ngõ ra vào thành phố.
Từ 13 giờ chiều nay (5/4), có 6 chốt đã bắt đầu triển khai kiểm dịch là chốt trạm thu phí Long Phước (cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), chốt cao tốc Trung Lương (tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương), chốt cầu Vĩnh Bình (quốc lộ 13, quận Thủ Đức, giáp với tỉnh Bình Dương), đường Ba Làng (Bình Chánh, giáp tỉnh Long An), đường Xuyên Á, quốc lộ 22 (Củ Chi, giáp tỉnh Tây Ninh), chân cầu Đồng Nai (quốc lộ 1A, giáp tỉnh Đồng Nai).
Lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng qua trạm kiểm dịch tại cầu Đồng Nai (Ảnh: Hà Lan)
Ghi nhận tại cầu Đồng Nai – một trong 16 trạm kiểm dịch chính của thành phố vào chiều 5/4, lực lượng liên ngành gồm cảnh sát giao thông, y tế, quản lý thị trường, dân quân tự vệ đã phối hợp phân luồng, đo nhiệt độ cho những người điều khiển phương tiện giao thông vào TPHCM.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho những người điều khiển phương tiện giao thông vào TPHCM (Ảnh: Hà Lan)
Theo đó, những người có thân nhiệt cao sẽ được giữ lại khu vực riêng tại trạm để theo dõi thân nhiệt - 30 phút một lần. Nếu nhiệt độ trở về bình thường, người dân sẽ được đi tiếp, nếu nhiệt độ vẫn cao sẽ được các nhân viên y tế tiếp tục theo dõi.
Những người có thân nhiệt cao được tạm thời giữ lại để theo dõi thân nhiệt (Ảnh: Hà Lan)
Việc phân luồng kiểm soát, đo thân nhiệt người dân khiến cho việc lưu thông trở nên chậm hơn nhưng các tài xế đều đồng tình với cách làm này vì cho rằng, việc kiểm soát thân nhiệt người vào thành phố là cần thiết và khiến cho chính bản thân tài xế cũng an tâm hơn khi đi lại.
62 chốt trạm kiểm soát dịch tại cửa ngõ TPHCM có 16 chốt chính là: trạm thu phí Long Phước, cao tốc Trung Lương, Cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1, cầu Đồng Nai, Bến xe Miền Tây, Bến xe miền Đông, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái.
46 trạm còn lại, các quận, huyện sẽ chịu trách nhiệm rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát (đường mòn, lối mở, bến thủy nội địa tiếp giáp với các tỉnh).
Các chốt, trạm kiểm soát dịch COVID-19 tại TPHCM sẽ hoạt động 24/24 giờ và việc chốt trạm sẽ duy trì cho tới ngày 15/4 hoặc khi có yêu cầu mới về việc kiểm soát dịch COVID-19.
Các chốt kiểm soát tại TPHCM tập trung kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát việc chấp hành các quy định của ngành y tế, của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; kiểm tra việc thực hiện cách ly y tế; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người vào vùng có dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và của các cơ quan có thẩm quyền; kiểm tra, giám sát việc hạn chế ra vào vùng có dịch đối với người và phương tiện; xử lý, đề xuất xử lý đối với các hành vi vi phạm về phòng chống dịch COVID-19.
Việc triển khai các chốt, trạm kiểm dịch cũng nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ ra vào Thành phố, kịp thời phát hiện, phối hợp kiểm tra, xử lý người, phương tiện, động - thực vật, hàng hóa, vật phẩm… nhiễm dịch bệnh, nghi nhiễm dịch bệnh COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Clip về ngày đầu tiên lập các chốt kiểm soát y tế tại TPHCM.
Khách du lịch quốc tế đến TPHCM giảm hơn 84% - Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 3 năm 2020 tiếp tục giảm sâu kỷ lục so với những năm gần đây.
TPHCM: Tiếp nhận hơn 81 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và hạn mặn - Sáng 5/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thông tin về tình hình đóng góp, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.