Kỳ 2: Doanh nghiệp làm gì để giữ chân người lao động?

(VOH) - Do ảnh hưởng của đại dịch, hơn 820 nhà máy đã ngừng hoạt động và 245.000 công nhân tạm nghỉ việc về quê.

Doanh nghiệp làm gì để giữ chân người lao động?

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến làn sóng dịch chuyển lao động chưa từng có, hàng trăm ngàn công nhân lao động do bất an với dịch bệnh, không có việc làm đã rời TPHCM về quê tìm sinh kế khác và không hẹn ngày quay trở lại, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là vào thời điểm cuối năm.

TPHCM hiện có 4.700 doanh nghiệp đang hoạt động và có hơn 4,8 triệu lao động đang làm việc, trong đó có 85% đã qua đào tạo. Do ảnh hưởng của đại dịch, hơn 820 nhà máy đã ngừng hoạt động và 245.000 công nhân tạm nghỉ việc về quê. Đây là nguy cơ đứt gãy nguồn lao động. Hầu hết các doanh nghiệp cho biết đang thiếu từ 30 đến 60% nguồn lao động. Do đó, để duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế là thách thức đang đặt ra trước mắt cho các doanh nghiệp, tìm đâu ra nguồn nhân lực nhất là nhân lực đã qua đào tạo để phục vụ sản xuất?

Giải bài toán ‘đảm bảo nguồn nhân lực’ cho giai đoạn bình thường mới - Kỳ 2 1
Ành minh hoạ: TTO 

Ông Cù Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam đóng trên địa bàn Quận Bình Tân cho biết, trước khi thực hiện Chỉ thị 16, Công ty có 56.700 lao động. Đã tiêm mũi 1 trên 42.000 lao động và mũi 2 cũng trên 20.000 người. Để giữ chân người lao động thì ngoài việc chăm lo tiền lương, Công ty còn cho công nhân ứng trước 50 triệu đồng khi gia đình có người mất do Covid-19. Đến thời điểm này, công ty cũng đã chuẩn bị đủ xe để đưa đón công nhân từ các tỉnh về TPHCM làm việc, sáng đưa đi, chiều đưa về. Công ty cũng mong đối với trường hợp đã tiêm vaccine mũi 1 hoặc 2, hoặc F0 sau khi khỏi bệnh thì cho họ được làm việc trở lại. Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện chặt chẽ việc phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế, làm sao cho bản thân an toàn, người thân an toàn, cộng đồng an toàn, đồng nghiệp an toàn. Tuy nhiên, người lao động đang rất hoang mang và không biết khi nào dịch bệnh mới ổn định và được đi làm 100%.

"Về tình hình lao động, Công ty PouYuen thiếu lao động từ năm 2019 và đến năm 2020 cũng rất khó khăn. Đặc biệt năm nay, sau khi phục hồi kinh tế thì thiếu lao động rất trầm trọng. Vì vậy, để giữ chân người lao động, từ tháng 6, công nhân ở Bến Tre, Tiền Giang không đi làm được thì công ty vẫn trả lương. Đặc biệt, trong thời gian TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 thì trong tháng 7 và tháng 8 công ty vẫn trả 100% lương cơ bản cho người lao động. Còn tháng 9 thì công ty chỉ có thể trả được 50% lương tối thiểu nhưng vẫn đóng BHXH để làm sao giữ chân được người lao động”, ông Cù Phát Nghiệp nói.  

Tương tự, bà Hồ Thị Thu Uyên – Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam cho biết, để doanh nghiệp hoạt động trở lại công ty đã chuẩn bị những phương án rất kỹ khi có ca F0, cũng như việc phòng chống dịch tại đơn vị, bà Thu Uyên bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi đề nghị các Sở ban ngành, chính quyền trong TP cũng như các tỉnh lân cận cùng phối hợp để hỗ trợ cho việc đi lại cũng như hỗ trợ cho các DN phục hồi sản xuất trong giai đoạn mới này. Đề nghị Sở Lao động TP nhanh chóng cấp giấy phép cho các chuyên gia nước ngoài đang chờ vào Việt Nam và đã có đủ 2 mũi vaccine. Đồng thời, vì thiếu nguồn nhân lực nên chúng tôi buộc phải tăng giờ làm thêm là nhu cầu cấp bách. Chúng tôi đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động và Bộ Lao động cho phép các DN được tăng thêm giờ lao động trong năm nay để bù cho thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng”.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng: Ngoài việc giữ chân người lao động bằng cách tăng phúc lợi, thu nhập, cần quan tâm đến môi trường làm việc. Ngoài ra, phía doanh nghiệp mong muốn TP.HCM kết hợp với các tỉnh vận động công nhân quay lại làm việc để có thể đảm bảo các đơn hàng sắp tới. "Đến 30/9, công ty mất khoảng 40% lao động, trong đó 20% không tự nguyện thực hiện “3 tại chỗ”, số còn lại nhận thấy việc sinh hoạt chung nhiều rủi ro nên không yên tâm, chấp nhận không đi làm. Do đó công suất thời gian qua của doanh nghiệp không đáp ứng các đơn hàng”, ông Thiện cho biết thêm.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Phạm Chí Tâm – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM lưu ý, các doanh nghiệp có đối tượng lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ thì nhanh chóng làm thủ tục để người lao động sớm được hưởng chính sách này và hưởng theo Nghị quyết 116 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chia thành các khu, phân xưởng để sản xuất, phòng trường hợp có F0 thì sẽ không bị ảnh hưởng đến khu sản xuất khác. Ông Tâm cho hay: “Để đảm bảo nguồn nhân lực cho tái sản xuất trở lại, phải có chủ trương, giải pháp và kế hoạch của TP cũng như của DN để đón công nhân trở lại. Có giấy thông hành với các tỉnh để có thể qua lại làm việc được. Ngoài ra, khi công nhân quay trở lại làm việc thì cuối tháng mới có lương, như vậy thì trong tháng 10 này cần hỗ trợ công nhân túi an sinh và một phần tiền nhà trọ để họ an tâm làm việc”.

Liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho lao động trong và ngoài nước quay trở lại TPHCM làm việc, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho hay, vấn đề lao động nước ngoài cũng rất quan trọng, gồm nhà quản lý cũng như lao động khối kỹ thuật cao. Vì vậy, trong 9 tháng năm 2021, Thành phố đã tổ chức 31 đợt xét duyệt theo quy định chung và đã giải quyết cho 7.000/11.000 người lao động nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào TPHCM. Sở cũng xét duyệt 1 tuần 1 lần và phối hợp với Bộ Công an cấp Visa tại lãnh sự quán nước sở tại, và người lao động nước ngoài đến đó nhận Visa để sang Việt Nam. TPHCM cũng ưu tiên cách ly 14 ngày tại khách sạn, nơi làm việc hoặc nơi ở. Thời gian tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nước ngoài nhập cảnh một cách dễ dàng. Riêng tại TPHCM, đến nay 95% người dân đã tiêm mũi 1, gần 50% đã tiêm mũi 2, Thành phố cũng lên kế hoạch phối hợp với các địa phương vận động người dân quay trở lại làm việc khi đã được tiêm vaccine.

“Chủ trương lần này TPHCM vận động bà con ở lại với TP. TP phải cưu mang, phải giúp đỡ để khi phục hồi kinh tế thì số lao động này quay lại các doanh nghiệp để làm việc, nhưng hiện nay nhu cầu bà con xin về quê khá nhiều, TP kêu gọi bà con ở lại để gắn kết cung cầu lao động sau này. Và nơi nào sản xuất an toàn thì mới mở, bảo đảm 32 tiêu chí của TP ban hành, bảo đảm sản xuất không bị đứt gãy. TPHCM cũng chia 3 giai đoạn phục hồi, từ nay đến 30/10; từ 1/11 đến 15 tháng giêng năm 2022 trở về sau rồi sẽ tính. Rất thận trọng, bình tĩnh” - ông Lê Minh Tấn nói.

Nỗi lo của doanh nghiệp là làm sao để công nhân lao động quay lại làm việc sau đại dịch. Còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước thì ngăn chặn đà đứt gãy của thị trường lao động, kết nối hiệu quả cung - cầu nhân lực là bài toán dù khó nhưng phải tìm cho được lời giải. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi làm việc an toàn cho công nhân. Có giải pháp an sinh xã hội để họ yên tâm công tác, đây là việc cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.