Một số biện pháp được đưa ra như đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, tuyến đường kết nối giao thông vào bến xe miền Đông (BXMĐ) mới trong năm 2023, 2024, thực hiện lộ trình hạn chế xe khách vào nội đô, đẩy mạnh phát triển, kết nối giao thông công cộng và xử lý mạnh “xe dù, bến cóc”....
Tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 11/ 2022 với chủ đề "Quy hoạch và quản lý bến xe, bãi đỗ xe" do HĐND TPHCM tổ chức vào sáng 06/11, thông tin về hoạt động của bến xe miền Đông mới, ông Nguyễn Lâm Hải - Phó Giám đốc Ban quản lý Bến xe Miền Đông mới cho biết từ khi đưa bến xe mới vào hoạt động (từ ngày 10/10/2020) đến nay đã thực hiện di dời hơn 100 tuyến xe khách từ BXMĐ, quận Bình Thạnh ra BXMĐ mới ở thành phố Thủ Đức. Qua quá trình hoạt động đơn vị đã gặp một số khó khăn như một số doanh nghiệp vận tải không đưa xe vào BXMĐ mới.
“Lý đó mà doanh nghiệp đưa ra là do quãng đường xa, họ phải tổ chức các xe trung chuyển hành khách đến BXMĐ mới nên phát sinh chi phí tăng, dẫn đến việc họ đưa một số xe vào trong nội đô để đón trả khách. Khó khăn nữa là hạ tầng giao thông kết nối còn chưa hoàn thiện khiến xe ra vào bến mất nhiều thời gian. Trong khi tuyến Metro số 1 vẫn chưa đưa vào hoạt động, khai thác, xe buýt kết nối vào BXMĐ mới cũng chưa nhiều nên chưa phát huy được hết hiệu quả và mục tiêu phát triển của bến xe như kỳ vọng”- ông Hải nêu.
Do đó, Ban lãnh đạo bến xe miền Đông mới kiến nghị Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM xem xét và sớm ban hành các quy định về vận chuyển hành khách trong nội đô như quy định về xe trung chuyển, hạn chế hoặc cấm các xe khách liên tỉnh, xe hợp đồng vào nội đô.
Với các vấn đề và kiến nghị trong hoạt động của BXMĐ mới, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng BXMĐ mới là một đầu mối giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía Đông, kết nối với các dự án giao thông lớn như Metro số 1, Xa lộ Hà Nội, các tuyến đường Vành đai, cao tốc kết nối đi các tỉnh. BXMĐ mới khi đầu tư xây dựng được định hướng phát triển theo hình thức TOD (Transit Oriented Development) tức lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng giao thông ở đây chưa có sự đồng bộ như định hướng và quy hoạch ban đầu mà TP đặt ra. Thời gian qua khi di dời qua BXMĐ mới, nhiều tuyến xe bị giảm số chuyến, vắng khách.
“Quá trình thực hiện các đơn vị cũng đã phối hợp và có dự báo nhưng còn thiếu đồng bộ và chưa dự báo hết tình hình. Thời gian qua những tuyến xe khi được di dời ra BXMĐ mới thì một số họ quay lại hoạt động ở một số bến xe khác như bến xe An Sương, Ngã tư Ga…Tước đây bến xe nằm ở khu vực nội đô nên bà con đi lại gần hơn. Nay di chuyển ra xa trung tâm, đặc biệt là các tuyến gần như đi Vũng Tàu, Phan Thiết... bà con rất ngại ra bến xe mới nên chuyển qua các hình thức đi lại khác. Chính vì vậy, không như mong đợi của chúng ta”- ông Lâm nhìn nhận.
Để giải quyết những vấn đề này, Sở GTVT TPHCM cùng với Công an TPHCM và các sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức đã họp và có kế hoạch tổng thể. Về mặt hạ tầng, tập trung đẩy nhanh tiến độ như đường Hoàng Hữu Nam, đường D4 hoàn thành trong năm 2023, dự án cầu vượt trước BXMĐ mới năm 2024 cũng phải hoàn thành. Và tuyến metro số 1 dự kiến cuối năm 2023 cũng đưa vào khai thác.
“Tổ chức giao thông sao cho phù hợp hơn, từng bước hạn chế xe vận tải hành khách vào nội đô như xe giường nằm, xe 30 chỗ. Chúng ta sẽ có lộ trình. Hiện Sở GTVT đã xây dựng đề án và sẽ báo cáo thành phố. Có thể sẽ áp dụng phương án hạn chế xe giường nằm vào nội đô vào cuối năm nay. Đó không chỉ giải quyết câu chuyện cho BXMĐ mới mà là định hướng hạn chế các xe phương thức lớn vào sâu trong nội đô”- Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâmcho hay.
Cũng theo ông Lâm, để người dân đi lại được thuận tiện hơn phải tăng tính kết nối các tuyến xe buýt vào bến xe. Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 2 tuyến và năm 2023 sẽ có thêm 3 tuyến xe buýt kết nối vào BXMĐ mới. Sở GTVT TPHCM cũng đề nghị về phía SAMCO và Ban quản lý Bến xe Miền Đông mới tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm để hoàn thiện dự án như các dịch vụ, tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ, chính sách khuyến mãi ban đầu để thu hút hành khách. Và quan trọng là thông tin về tuyến, thời gian, giá vé, phương thức tiếp cận đến người dân.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng Thanh tra Sở GTVT TPHCM cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý xe khách dừng đậu, đón trả khách không đúng nơi quy định để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình – Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08), Công an TPHCM, qua 10 tháng 2022 lực lượng CSGT cũng như công an các quận, huyện và TP Thủ Đức đã xử lý trực tiếp trên 33 ngàn trường hợp vi phạm về dừng, đậu xe không đúng quy định, với số tiền gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, CSGT cũng đã xử phạt gần 17 ngàn trường hợp vi phạm qua hình ảnh. Hiện nay Công an TPHCM đã triển khai xử phạt qua hình ảnh với hệ thống camera giám sát cố định trên đường và ghi hình lưu động trên các tuyến đường có tình trạng dừng đậu xe phức tạp, “xe dù, bến cóc” hoạt động nhất là các điểm mà người dân, báo chí phản ánh như cây xăng, các điểm đón trả khách của xe khách ở khu vực trung tâm quận 1, quận 5, quận 6… |