Công tác phối hợp giữa Mặt trận, Sở Tài nguyên và Môi trường với các tổ chức tôn giáo có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; việc biên soạn, phát hành các tài liệu liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với các tôn giáo còn chậm.
Đó là một số khó khăn được nêu lên tại buổi tọa đàm về phát huy vai trò chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong vận động đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ môi trường và Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức vào sáng 8/11.
Toàn cảnh buổi tọa đàm Phát huy vai trò chức sắc tôn giáo dân tộc tham gia bảo vệ môi trường.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở TPHCM cho rằng: hiện nay các tài liệu tuyên truyền hiện chỉ chuyển tải những nội dung nên làm nhưng chưa thể hiện được tính phản biện để nhân dân hiểu, chia sẻ và nhận thấy sự cần thiết phải giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ đó giúp họ thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Ngoài ra, công tác xử phạt các hành vi vi phạm như xả rác, các loại chất thải khó phân hủy và nguy hại ra đường và kênh rạch chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; các điểm đen về ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để,...
Bên cạnh đó, các mô hình mang tính kêu gọi tín đồ tham gia tổng vệ sinh còn ít; việc giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội về cuộc vận động vẫn còn nhiều bất cập chưa cụ thể; công tác Quản lý Nhà nước đối với đội ngũ thu gom rác dân lập vẫn còn nhiều hạn chế…
Tuy còn nhiều khó khăn cần khắc phục, 3 năm qua, các cơ sở tôn giáo đã phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để bảo vệ môi trường và ứng phó với đổi khí hậu. Các mô hình này phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về cách làm của mình, Đại đức Thích Nguyên Chiếu – Trụ trì Tu viện Kim Cang, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho biết: thường trong những buổi giảng đều nhắc nhở quý phật tử khi đi đường thấy rác thì nhặt bỏ vào thùng, nhất là phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần Tu viện sẽ cùng với các phật tử đi thu gom rác ở ngoài đường cũng như trên các kênh rạch:
"Tại địa phương của chúng tôi, bà con rất tích cực vì trước đây dòng Kênh A rất ô nhiễm, nước đen ngòm và đầy rác và hiện nay con kênh đã rất đẹp. Chúng tôi hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây như thế nào để tạo cho hai bên đường có bóng mát và giữ bờ đê khỏi sạt lở. Tới đây, chúng tôi kêu gọi bà con tiếp tục trồng hoa trên các bờ kênh và được sự hưởng ứng của bà con địa phương và gia đình Phật tử rất tốt".
Linh mục Đinh Ngọc Lễ - Chánh xứ Giáo xứ Hà Nội bày tỏ lo ngại về môi trường của thành phố trong tương lai: "Trái đất ngày càng xấu đi, còn ô nhiễm thì chúng ta sinh bệnh sinh tật. Thành ra vào những ngày Chủ nhật khi anh chị em sum họp, thì trước hết đối với trẻ em, chúng tôi hợp tác với Sở Giáo dục Thành phố, tập cho các em nhỏ bỏ rác vào trong thùng. Đồng thời, tôi nói ở nhà thờ cho anh chị em giáo dân tập không bỏ rác ra đường, cống rãnh. Cụ thể, mình có những thùng rác để ở chung quanh nhà thờ, rồi hợp tác với chính quyền địa phương giúp cho lòng lề đường sạch sẽ".
Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đánh giá: Sự tham gia của các vị chức sắc trong các tôn giáo đã phát động lên tinh thần của khối đại đoàn kết chung của thành phố và trở thành một cuộc cách mạng sinh động hơn. Tuy chưa thể quy tụ hết hơn 2,6 triệu tín đồ của các Phật giáo trên địa bàn thành phố nhưng đã có chuyển biến tích cực:
"Hầu hết các chức sắc, giúp việc tín đồ đều biết đến cuộc vận động. Cho thấy người dân thành phố nói chung và các chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố đã tham gia lắng nghe, đã biết về cuộc vận động. Hiệu quả là có nhiều mô hình, nhiều cách làm hay góp phần đem lại sự thành công của cuộc vận động".
Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu chị đạo tại buổi tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá cao vai trò của các tổ chức tôn giáo cũng như những cá nhân là người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo, các dân tộc sau hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc cùng với Sở Tài nguyên - Môi trường và 32 tổ chức tôn giáo của Thành phố cùng ký kết tham gia bảo vệ môi trường Thành phố được thực hiện rất nghiêm túc với nhiều cách làm sáng tạo: "Các vị có nhiều đề xuất xác đáng như tăng cường xử phạt nghiêm. Thứ hai là tổ chức lại việc thu gom rác. Thứ ba là tạo điều kiện cho người dân khi tham gia sinh hoạt ở cộng đồng thì có nơi bỏ rác. Quan tâm chính sách đối với người làm công tác vệ sinh môi trường. Tôi cho rằng không chỉ là tuyên truyền trong cộng đồng, trong giới của mình thực hiện tốt chủ trương của thành phố mà các vị từ thực tiễn cũng nhìn ra cái bất cập để đề xuất với lãnh đạo thành phố thực hiện sao cho hiệu quả".
Qua buổi tọa đàm, nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương thông qua nhiều hình thức, giải pháp khác nhau, các địa phương đã huy động sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự chung tay, góp sức của đồng bào các dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc, đồng bào có đạo cùng tham gia.