Thông tin trên được công bố tại buổi Họp báo diễn ra chiều 21/4.
Chia sẻ về lễ hội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng đạo diễn NSND Vương Duy Biên cho biết: "Tất cả diễn xướng dân gian sẽ được thể hiện trên một không gian đậm đà bản sắc, mang đặc trưng của vùng đất mà tác phẩm dân gian ra đời".
Đặc biệt, nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của ba miền Bắc - Trung - Nam, những giá trị bất biến qua thời gian sẽ được trải nghiệm một cách mới mẻ hơn, thông qua các hình ảnh chủ đạo từ những vật dụng quen thuộc gắn bó với dân tộc, quê hương, chất liệu truyền thống mộc mạc giản dị mang đậm hồn cốt của dân tộc Việt.
Một số loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian được biểu diễn trong lễ hội lần này có thể kể đến như quan họ Bắc Ninh, ca trù, hầu đồng, chèo, hát bài chòi, hát bội, múa bóng rỗi, đờn ca tài tử…
Đọc thêm: Trụ sở UBND TPHCM mở cửa đón khách du lịch dịp 30/4
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Văn phòng Festival Lưu Thị Hồng Diễm, bên cạnh không gian của các sân khấu, Liên hoan năm nay cũng sẽ tái hiện lại 17 trò chơi dân gian, trong đó có thể kế đến như: ô ăn quan, nhảy dây, lò cò, cà kheo....
Tất cả các khu vực trong Liên hoan đều có phần giới thiệu khái quát bằng tiếng Anh và tiếng Việt, thuận lợi cho các du khách nước ngoài đến để cùng vui chơi và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Một điểm thú vị khác là ngay đầu cổng vào không gian Lễ hội sẽ có hai bảng check-in dành cho người Việt và du khách quốc tế để mọi người đánh dấu nơi mình đã đến. Người tham gia Lễ hội sẽ có nhãn dán ghi tên mình trên bảng check-in. Đối với khách Việt là bản đồ Việt Nam, còn khách Quốc tế là bản đồ TPHCM có gắn cờ của đất nước Việt Nam.