Lựa chọn người có đủ đức, đủ tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

(VOH) - Một nhiệm vụ hàng đầu của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn ứng cử qua các bước hiệp thương theo luật định.

Đây là khâu quan trọng để Hội đồng bầu cử Thành phố lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Bên cạnh đó, Hội đồng bầu cử cũng lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đảm bảo số lượng, chất lượng, thể hiện đúng cơ cấu, thành phần, đại diện cho trí tuệ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong thời gian tới, sẽ diễn ra các hoạt động tiếp xúc vận động bầu cử, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan tới bầu cử. Xung quanh nội dung này, VOH trao đổi với Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn. 

Lựa chọn người có đủ đức, đủ tài để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân 1
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Ngô Thanh Sơn. ẢNh: PLO 

*VOH: Sau hội nghị hiệp thương lần 3 cũng như các hội nghị lấy ý kiến cử tri, ông đánh giá tinh thần dân chủ trong việc sàng lọc ứng viên tại TPHCM được thực hiện như thế nào?

Ông Ngô Thanh Sơn: Công tác lấy ý kiến cử tri nơi cư trú tại TPHCM được tổ chức đúng thời gian quy định, đảm bảo công khai, dân chủ và minh bạch tại các hội nghị cử tri nơi cư trú thì người ứng cử và lãnh đạo của cơ quan người ứng cử nếu có đều được mời tham dự.

Tại đó, người ứng cử và đại diện lãnh đạo cũng tham gia phát biểu, thông tin và giải thích những vấn đề mà cử tri nêu ý kiến. Những nội dung này diễn ra trước khi cử tri lấy phiếu tín nhiệm đối với người ứng cử.

Tôi nghĩ đây là việc rất công khai, dân chủ, minh bạch. Điểm mới của kỳ này theo Nghị quyết của Quốc hội tại hội nghị của cử tri nơi cư trú, nếu người ứng cử không đạt trên 50% cử tri tín nhiệm nơi cư trú thì tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 Mặt trận sẽ không giới thiệu những người không đạt quá 50%.

Kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đối với ứng cử viên đại biểu quốc hội thì có 50 vị và sau khi hội nghị lấy ý kiến cử tri có 39 vị đạt trên 50%. Tại hội nghị lần 3 cũng lấy phiếu tín nhiệm và đạt 38/39 vị. Đối với bầu cử đại biểu HĐND TP có 161/169 ứng cử viên đạt tỷ lệ trên 50% và trước hội nghị hiệp thương lần thứ 3 có 2 ứng cử viên đại biểu HĐND TP đã có đơn xin rút.

Như vậy, tại hội nghị hiệp thương lần 3 có 159 vị được MTTQ thống nhất đưa vào danh sách ứng cử đại biểu HĐND TP.

*VOH: Ứng cử là quyền của mỗi người nhưng cử tri cũng có quyền thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình thông qua việc sàng lọc, ứng cử, điều này được thể hiện như thế nào tại các hội nghị tiếp xúc cử tri? Đâu là tiêu chí cơ bản nhất của các ứng viên để có thể đại diện cho tiếng nói của người dân?

Ông Ngô Thanh Sơn: Ở kỳ hiệp thương lần 3 tại các kỳ lấy ý kiến cử tri nơi cư trú cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền.

Chủ yếu tuyên truyền những quy định về pháp luật cũng như quyền, trách nhiệm của cử tri. Từ đó hướng dẫn cử tri tích cực tham gia các hội nghị cử tri lấy ý kiến nơi cư trú, nghiên cứu về tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên. Bên cạnh đó việc tham gia các hoạt động nơi cư trú, người cử tri thể hiện quyền và trách nhiệm của mình để chọn ra những người có đủ tiêu chuẩn. Đó là tiêu chí rất quan trọng.

Chính người dân sẽ thực hiện quyền của mình, biểu quyết để chọn ai là người đại biểu của nhân dân.

*VOH: Sau hội nghị hiệp thương lần 3, chúng ta còn rất nhiều công việc cần phải thực hiện, vậy MTTQ TPHCM sẽ thực hiện vai trò giám sát trong giai đoạn tiếp theo như thế nào?

Ông Ngô Thanh Sơn: Sau hiệp thương lần thứ 3 thì việc tổ chức giám sát, kiểm tra hoạt động bầu cử là trách nhiệm của hệ thống Mặt trận làm sao cho cuộc bầu cử đạt được kết quả tốt đẹp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cũng đã có các kế hoạch giám sát kỳ bầu cử lần này.

Cụ thể là đã triển khai kế hoạch 304 giám sát đợt 1 ở tại Thành phố Thủ Đức và 3 huyện để kiểm tra việc thành lập các tổ chức bầu cử. Đồng thời thành lập tổ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tính đến 13/4 chúng tôi đã nhận được 8 đơn khiếu nại tố cáo, trong đó có 3 đơn nặc danh.

Chúng tôi đã gửi những đơn hợp lệ tới các cơ quan chức năng giải quyết theo luật định. Thời gian tới, song song với việc tổ chức các hoạt động giám sát theo luật định, chúng tôi tiếp tục giám sát việc niêm yết danh sách cử tri, việc chuẩn bị giới thiệu niêm yết danh sách của các ứng cử viên sau kỳ hiệp thương lần 3.

Đồng thời, tập trung giám sát việc trả lời các khiếu nại của các cơ quan chức năng mà chúng tôi đã chuyển thư đến. Sau đó giám sát các hội nghị tiếp xúc cử tri để giới thiệu tiểu sử của ứng cử viên và giới thiệu chương trình hành động của ứng cử viên.

Như vậy, đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội sẽ có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc cử tri. Ứng cử viên đại biểu HĐND TPHCM có ít nhất 5 cuộc tiếp xúc cử tri. Còn các ứng cử viên ở TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn thì có ít nhất 3 cuộc tiếp xúc cử tri

*VOH: Một điều mà cử tri quan tâm là tính công bằng trong các hội nghị tiếp xúc cử tri để giới thiệu chương trình hành động của các ứng cử viên, không phân biệt là tự ứng cử hay được giới thiệu ứng cử. Chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo điều này?

Ông Ngô Thanh Sơn: Có những cuộc tiếp xúc chúng tôi đảm bảo yêu cầu của ứng cử viên và những chương trình, tiểu sử này đều được đăng công khai trên hệ thống báo chí, được công khai trong các hội nghị tiếp xúc cử tri.

Cơ quan báo chí cũng là một trong những cơ quan phải giúp chúng tôi trong tuyên truyền đảm bảo công bằng cho tất cả ứng cử viên. Quyền quyết định chính là lá phiếu của những người cử tri.

*VOH: Cảm ơn ông!