Tọa đàm nhằm phân tích thực trạng và giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố.
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố. Trong đó mục tiêu của chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ; tập trung những ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố; gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của lực lượng lao động. Phấn đấu đến năm 2020, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập khu vưc và thế giới, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề nghiệp đạt 85% trong tổng số lao động đang làm việc.
Quanh cảnh buổi tọa đàm.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác đào tạo nguồn nhân lực của thành phố đã đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay. Những khó khăn đặt ra hiện nay là: Mạng lưới cơ sở dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động; chưa quan tâm đào tạo hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực Asean; điều kiện cơ sở vật chất, phòng học lý thuyết, xưởng thực hành chưa hiện đại; các thiết bị đào tạo chính của nghề mang tính quyết định đến rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học chưa tương ứng với thực tiễn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Từ hạn chế này, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp như; điều chỉnh mạng lưới đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh thực hiện mô hình đào tạo kép nhà trường và doanh nghiệp nhằm đưa thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất đưa vào nhà trường, rút ngắn thời gian hoặc loại bỏ việc doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động sau đào tạo như hiện nay.
Phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học là vấn đề được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại buổi tọa đàm. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm TPHCM có khoảng 15.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) không vào học trung học phổ thông (THPT), một phần trong số đó có thể vào học tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề, các trường chuyên nghiệp, hoặc ra thị trường lao động mà chưa được đào tạo nghề. Từ thực tế số lượng thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề đã gây ra sự lãng phí cho xã hội và tác động đến tính hiệu quả của giáo dục và Đào tạo cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Để nâng cao công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học, ông Trương Văn Hùng - Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội về công tác phân luồng, phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin, truyền thông trong việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, phân công cán bộ chuyên trách công tác hướng nghiệp, phân luồng đến các địa phương, gắn việc thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng với các phong trào thi đua tại địa phương.
Qua buổi tọa đàm, ông Huỳnh Văn Chúm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng các ý kiến đề xuất của các trường, trung tâm, quận, huyện và các doanh nghiệp đã đặt ra nhiều nội dung, vấn đề cần quan tâm đối với việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho thành phố. Nhiệm vụ đặt ra đối với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong thời gian tới là: nâng cao vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin, truyền thông trong việc thay đổi tuyên truyền nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt nâng cao hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo gắn kết giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp cần được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ.
Ông Huỳnh Văn Chúm nhận định, các bài tham luận và ý kiến phát biểu tại tọa đàm sẽ giúp việc hoạch định công tác đào tạo nghề trong thời gian tới. “Làm sao phát huy tốt nhất vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các địa phương và đặc biệt là các đơn vị, cá nhân tham gia vào công tác đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố, thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần X đã đề ra”, ông Chúm nói.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp đều xác định “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” là một trong những chương trình đột phá để phát triển thành phố và trong đó chương trình nâng cao chất lượng dạy nghề là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.