Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nâng tầm giá trị sông Sài Gòn

VOH - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023 – 2025.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn.

TPHCM sẽ khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Số lượng khách du lịch đường thủy đến thành phố năm 2023 và 2024 đạt khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đặt mục tiêu đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.

Nâng tầm giá trị sông Sài Gòn 1
Một góc sông Sài Gòn về đêm

TPHCM mang đặc trưng sông nước và một con sông Sài Gòn có thể định hình chiến lược khai thác du lịch sông nước của TPHCM cùng một số tỉnh thành khác. Một tuyến đường ven sông cùng nhiều dự án khác đang được TPHCM và các địa phương lên phương án sẽ khai thác nhiều hơn tiềm năng sông Sài Gòn.

Trên hành trình du ngoạn sông Sài Gòn người dân, du khách có nhu cầu tiếp cận, lên bờ. Nếu làm được điều này, người dân có thể linh hoạt chọn cách di chuyển lúc đi thuyền trên sông, lúc đi phương tiện công cộng trên bờ. Người dân thành phố thường nhìn con sông Sài Gòn từ bờ và sẽ thú vị hơn khi nhìn TPHCM từ dưới thuyền.

Tất cả những thứ ven sông hòa nhịp với dòng sông làm nên bản sắc, phong cảnh hữu tình tạo dấu ấn đậm nét trong lòng người dân, du khách.

Theo lãnh đạo ngành du lịch TPHCM, chúng ta đang có tuyến du lịch đường thủy rất xa, ví dụ từ bến Bạch Đằng - Củ Chi cần 2,5 tiếng di chuyển đường thủy. Tuy nhiên, trên dọc tuyến đó thiếu điểm dừng chân tạo sức hút cho du khách, vì vậy cần tạo nên điểm nhấn tại các khu vực này để du khách chi tiêu, tăng nguồn thu từ du lịch.

Theo các chuyên gia, dải đô thị ven sông Sài Gòn nên là dải đô thị mềm, xanh mang đậm nét văn hóa sông nước Nam Bộ. Khi đi vào hoạt động nó không chỉ phát huy tối đa tiềm năng của thiên nhiên ban tặng mà còn huy động nguồn lực cộng đồng có sẵn từ những làng nghề, vườn cây ăn trái, đờn ca tài tử của người nông dân Nam Bộ.

Trong những hội thảo gần đây, nhiều chính khách, chuyên gia cũng đề cập vấn đề đánh thức khai, thác tiềm năng cho sông Sài Gòn. Ngoài ra việc tạo cảnh quan nơi đây cũng góp phần tôn tạo giữ gìn văn hoá bản sắc của Sài Gòn xưa, khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cũng như phát triển kinh tế lưu vực Sông Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến đánh giá: “Chúng ta đang có một tài sản đẹp. Sau Covid chúng tôi có khoảng 7-8 lần đi khảo sát dòng sông, từ bến Bạch Đằng ra đến Cần Giờ, từ bến Bạch Đằng đi lên khu vực Bình Dương, Tây Ninh, khu vực Vàm Cỏ, Long An. Tôi càng cảm nhận vẻ đẹp kiến trúc mỹ quan của khu vực dọc bến Bạch Đằng (ngày xưa gọi là Bến Nghé), nơi xuất phát của thành phố Sài Gòn.

TPHCM có rất nhiều kiến trúc, nhiều cảnh quan được xây dựng cả trăm năm nay, nhưng vẫn còn sự hoang sơ. Chính sự hoang sơ, sẽ là dư địa để chúng ta phát triển kinh tế, tạo dựng công trình kiến trúc mới.

Hy vọng các nhà quy hoạch, kiến trúc sư sẽ tạo nên những công trình kiến trúc làm cho dòng sông Sài Gòn thêm giá trị, đem đến những vẻ đẹp nhân văn và giá trị kinh tế cho TPHCM”.

Bình luận