Theo đó, từ 0h ngày 23/8/2021 đến ngày 6/9/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của phành phố, trung ương đóng trên địa bàn TPHCM thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0h giờ ngày 23/8.
Nhóm phóng viên VOH những ghi nhận về diễn biến ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội trên địa bàn Thành phố.
Buổi sáng 23/8, đường phố có phần nhộn nhịp hơn tại các chốt kiểm soát và cũng có nhiều người vì không chuẩn bị đầy đủ giấy tờ phải quay về. Tuy nhiên vào buổi chiều, lượng xe lưu thông trên các tuyến đường có phần ít hơn hẳn. Các cá nhân di chuyển qua chốt hầu hết đều có giấy tờ đầy đủ, hợp lệ.
Đại úy Lê Chí Minh – Công an phường 3, quận Gò Vấp đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát khu vực đường Nguyễn Văn Công, gần chợ Tân Sơn Nhất cho biết: “Khu vực này là chợ nên bình thường xe cộ qua lại nhiều. Nhưng hôm nay bà con chấp hành nghiêm, ít ra đường, chủ yếu là nhân viên sân bay hoặc các lực lượng làm nhiệm vụ. Tất cả đều có giấy tờ được phép ra đường đầy đủ. Mong bà con chấp hành nghiêm, ai ở đâu ở yên đó để sau 15 ngày, Thành phố có thể kiểm soát được dịch bệnh, quay trở lại cuộc sống bình thường mới”.
Mỗi ê kíp trực chốt thường có công an, dân quân, dân phòng, tình nguyện viên. Tại các chốt lớn thì có thêm sự hỗ trợ của lực lượng quân đội.
Đã tham gia công tác phòng chống dịch một thời gian dài, chú Trần Văn Sáu – dân phòng tham gia trực tại một chốt ở lối vào chợ Tân Sơn Nhất – khu vực giáp ranh phường 2, quận Tân Bình nhận xét: “Từ sáng giờ thấy ít người đi đường, chủ yếu là những ai có giấy phép mới đi. So với các thời điểm trước, thấy bà con mình chấp hành nghiêm hơn hẳn”.
Nhiều người lưu thông trên đường ngày 23/8 đều đã chuẩn bị sẵn sàng giấy tờ hợp lệ để qua các chốt kiểm tra. Anh Vũ Đức Sáng thuộc nhóm thiện nguyện “Bữa cơm 0 đồng”, đi về Gò Vấp lấy thuốc dùm một hộ gia đình ở tận quận 7 cầu cứu: “Mình về Gò Vấp để giúp 1 gia đình ở quận 7 lấy thuốc vì họ vừa bị dương tính. Sáng giờ đi ngoài đường thì thấy không có ai cả, người dân chấp hành tốt. Tụi mình muốn hoạt động thì phải xin phép nhưng không có lạm dụng”.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, nhằm hạn chế việc ra khỏi nhà, từ ngày 23/8 cũng là ngày mà các tổ hậu cần, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện, công an, quân đội được tăng cường tại địa phương sẽ tham gia đi chợ hộ người dân và tổ chức phân phối trực tiếp đến từng hộ dân.
Tùy theo từng địa phương sẽ có các phương án cụ thể. Như tại phường 19, quận Bình Thạnh, Hội phụ nữ sẽ cùng với các lực lượng được tăng cường giúp bà con đi chợ. Các thông báo về hàng hóa số điện thoại cần liên lạc phường cũng đã gởi cho bà con từ trước.
“Hôm nay nhận được 50 đến 60 đơn hàng, dự kiến sau 3 ngày sẽ nhiều hơn. Chúng tôi đã cung cấp số điện thoại cho các hộ dân ở phường để người dân tiện liên lạc”, ông Đoàn Tuấn Kiệt - Phó chủ tịch phường 19, quận Bình Thạnh cho hay.
Còn ở khu phố 1, phường 10, quận Gò Vấp, người dân đăng ký mua hàng bằng các gói “combo”, giá đã được các siêu thị thông báo từ trước. Sau khi đăng ký, người dân sẽ đợi và có đội giao hàng mang đến tận nhà. Được biết tại Khu phố 1, phường 10, quận Gò Vấp, ban công tác mặt trận đã phổ biến danh mục các gói hàng hóa thiết yếu mà siêu thị cung cấp gồm 10 combo.
Combo rẻ nhất là 50.000 đồng gồm các rau gia vị, combo có giá cao nhất là 561.000 đồng gồm đa dạng mặt hàng như sữa, mì, bún…
Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Phó ban công tác mặt trận – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Khu phố 1, phường 10, quận Gò Vấp thông tin: "Hiện nay mỗi hộ sẽ được gửi mua hộ 1 lần/tuần. Sau khi nhận được đăng ký của bà con thì chúng tôi sẽ liên hệ đặt hàng với siêu thị và lấy hàng về giao tận nhà, để bà con yên tâm ở nhà nhưng vẫn có nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình, không cần phải đi ra đường. Trong quá trình giao nhu yếu phẩm thì tuyệt đối đảm bảo 5K".
Người dân cũng đã sẵn sàng tâm lý, tuân thủ việc “ai ở đâu ở yên đó” vì hiểu được tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp và càng yên lòng hơn khi được sự hỗ trợ của địa phương.
Cô Lê Thị Tắc - ngụ phường 10, quận Gò Vấp cho hay: “Thực hiện Chỉ thị 16, mình cứ ở yên trong nhà, cần mua gì có lực lượng hỗ trợ rồi nên cũng không quá lo. Chỉ mong sớm kiểm soát được dịch để cuộc sống bình thường trở lại”.
Sáng 23/8, tất cả các hệ thống siêu thị, cửa hàng đã tạm ngừng bán hàng trực tiếp cũng như bán trực tuyến trên tất cả các nền tảng, ứng dụng mua hàng.
Siêu thị Aeon Tân Phú, hiện đang làm việc với đại diện 2 phường Sơn Kỳ và Tân Quý của quận Tân Phú để chuẩn bị hàng hóa theo các đơn đặt hàng của từng tổ dân phố, từng phường theo tần suất và khu vực quy định.
Nhiều siêu thị như VinMart, Lotte Mart... cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn của Sở Công thương và các cơ quan ban ngành để có phương án cung ứng cho người dân TPHCM trong những ngày tới.
Ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn - Giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart Việt Nam cho biết thêm: “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn nào và hiện chúng tôi cũng đã chủ động liên hệ với các phường quận để cung ứng, hàng hóa thì đã chuẩn bị đầy đủ”.
Một vài đơn vị cung ứng khác cho biết: hiện nay việc kết nối với chính quyền chỉ mang tính cơ bản, thậm chí nhiều điểm bán vẫn chưa làm việc được với phường, quận để thực hiện việc giao nhận hàng hóa thay cho người dân.
Nhiều đơn vị cũng cho biết mẫu giấy tờ đi đường cho nhân viên, xe chở hàng trong giai đoạn TPHCM siết chặt giãn cách hiện nay vẫn chưa được sở, ngành liên quan cấp đầy đủ. Do đó, việc vận chuyển cũng như nhân lực gặp nhiều khó khăn dẫn đến có sự thiếu hụt nhân sự, hàng hóa trong ngày đầu tiên siết chặt giãn cách.