Nghị quyết 98: Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, doanh nghiệp đi vào cuộc sống

VOH - Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho TPHCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.

“Nghị quyết 98 - Đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù đi vào cuộc sống nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp” – là chủ đề của Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” sáng 2/12 tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH). Chương trình do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp với VOH thực hiện.

Nghị quyết 98: Nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống 1

Các đại biểu tham gia chương trình "Đối thoại cùng chính quyền thành phố" sáng 2/12 - Ảnh: K.H

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân Thành phố cho biết, cử tri Thành phố có dành sự quan tâm đến 3 nhóm vấn đề của cơ chế, chính sách đặc thù thuộc lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách trong quá trình triển khai thực Nghị quyết số 98.

Sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách Thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội – Chi nhánh TPHCM thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; Bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM(HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố; Hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Đây là 3/27 cơ chế, chính sách đột phá có tác động lan tỏa từ Nghị quyết 98 ở lĩnh vực kinh tế - ngân sách có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp Thành phố, Bà Trương Lê Mỹ Ngọc cho biết.

Về tình hình bố trí vốn triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trong nghị quyết 98, ông Phạm Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 vốn ngân sách địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua, điều chỉnh bổ sung với tổng mức vốn 242.000 tỷ đồng; trong đó đã phân bổ chi tiết gần 237.000 tỷ đồng.

Số vốn còn lại khoảng hơn 5.500 tỷ đồng dự kiến trình HĐND TPHCM phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn cho các dự án đủ điều kiện tại kỳ họp cuối năm dự kiến vào ngày 6/12 tới.

Năm 2023, Thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 hơn 68.634 tỷ đồng. Đối với kế hoạch năm 2024, ông Kiên cho biết Sở đã tham mưu UBND TPHCM phương án phân bổ chi tiết với tổng mức vốn đầu tư công của Thành phố là gần 80.000 tỷ đồng.

 Về kế hoạch đầu tư công năm 2023, UBND TPHCM đã bố trí 2.796 tỷ đồng cho Sở LĐTBXH để ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố cho vay hỗ trợ giảm nghèo và cho vay giải quyết việc làm.

UBND TPHCM phân bổ chỉ tiêu cho vay Hỗ trợ giảm nghèo và Giải quyết việc làm năm 2023 đến các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; Sở LĐTBXH đã ký hợp đồng ủy thác giải ngân 100% nguồn vốn 2.796 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố.

Năm 2024, theo đề xuất của Sở LĐTBXH về nhu cầu bổ sung từ ngân sách Thành phố cho nguồn vốn Hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm, Sở KHĐT đã tổng hợp đề xuất bố trí vốn năm 2024 cho Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 998 tỷ đồng, ông Bùi Trung Kiên cho biết thêm

Về nguồn vốn, ngay sau khi được Thành phố bố trí vốn với số tiền 2.796 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM đã phối hợp với Sở Lao động Thương Binh và Xã hội đã ưu tiên giải ngân trên 1.100 hồ sơ vay, với số tiền trên 1.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Sổn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM cho biết: Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM đã thực hiện giải ngân cho vay hỗ trợ giảm nghèo cho hơn 2.140 lượt lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với doanh số giải ngân 122 tỷ đồng, nâng tổng doanh số giải ngân từ đầu năm của chương trình này đạt 490 tỷ đồng, với trên 8.650 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn.

Đối với Chương trình cho vay Giải quyết việc làm đã giải ngân cho hơn 19.580 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay đạt 1.410 tỷ đồng, nâng tổng doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt 3.460 tỷ đồng, đã giúp cho trên 55.000 lượt lao động được tạo việc làm mới, duy trì và mở rộng việc làm trong 11 tháng đầu năm 2023. 

Theo ông Sổn, UBND TPHCM sẽ trình HĐND TPHCM thông qua tại kỳ họp cuối năm nay với tổng nhu cầu vốn vay 997 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vay vốn Hỗ trợ giảm nghèo 61 tỷ đồng và Giải quyết việc làm 936 tỷ đồng.  

Thính giả Hoàng Phượng Linh ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ quan tâm tới vấn đề về vay vốn đặt câu hỏi cho khách mời: "Hiện tại, gia đình tôi thuộc diện hộ mới thoát nghèo của xã, đang có nhu cầu vay vốn để mua thêm 2 chiếc xuồng máy đánh bắt hải sản trên biển Cần Giờ, vậy tôi phải liên hệ cơ quan nào và thực hiện thủ tục ra sao để được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội?"

Về vấn đề vay vốn, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội TP cho biết cần liên hệ Trưởng ban nhân dân ấp nơi người dân đang cư trú để được giới thiệu đến Tổ Tiết kiệm và vay vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cần Giờ đang hoạt động tại ấp.

Về thủ tục: Người Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn sẽ hỗ trợ chị hoàn thiện duy nhất 1 Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án sử dụng vốn vay theo mẫu do Ngân hàng Chính sách Xã hội TP cung cấp.

Một start-up công nghệ cũng đặt câu hỏi cho chương trình: “Hiện tôi đang thực hiện 01 dự án về ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý, giám sát toàn diện & điều khiển từ xa trên nền tảng IOT trong lĩnh vực xử lý nước thải, khí thải, lọc nước RO và trong các nhà máy sản xuất công nghiệp. Dự án của tôi muốn nhận được hỗ trợ kinh phí từ chính sách này thì phải đáp ứng các tiêu chí điều kiện gì ? Thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ được bao nhiêu dự án ở mỗi giai đoạn (tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc) khi triển khai chính sách này? Một dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo có thể được hưởng tối đa bao nhiêu giai đoạn và mỗi giai đoạn tối đa bao nhiêu lần? Có nhất thiết một dự án phải đi hết 3 giai đoạn?”

Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trả lời: Dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo được tuyển chọn dựa theo các tiêu chí như Tính sáng tạo, Năng lực tổ chức thực hiện, Hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội, Thị trường tiềm năng, Ứng dụng công nghệ,  Mô hình kinh doanh. Các tiêu chí đước đánh giá thông qua Hội đồng tư vấn.

Các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên (9 lĩnh vực): Lĩnh vực Thương mại điện tử; Lĩnh vực Công nghệ tài chính; Lĩnh vực Logistic; Lĩnh vực Công nghệ giáo dục; Lĩnh vực Y tế và chăm sóc sức khỏe; Lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao; Lĩnh vực Phát triển bền vững; Lĩnh vực Chuyển đổi số; Lĩnh vực An ninh mạng.

Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực trong vòng 5 năm do đó, mục tiêu cụ thể của chính sách này sẽ hỗ trợ hơn 1000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 100 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận được với các nhà đầu tư mạo hiểm. Mỗi năm dự kiến hỗ trợ được khoảng 250 dự án tiền ươm tạo, 150 dự án ươm tạo và 50 dự án tăng tốc.

Bình luận