Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, người dân cả nước một lần nữa chứng kiến rất nhiều hành động có ý nghĩa của người dân thành phố. Hàng trăm tấn gạo, hàng chục ngàn suất thực phẩm khô đến tay người nghèo khó bằng nhiều con đường khác nhau, như ATM gạo, ATM khẩu trang, đến các điểm phát thực phẩm tập trung, các bàn thiện nguyện đặt trước nhà dân, những cửa hàng 0 đồng, suất thức ăn miễn phí cung cấp cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn mỗi ngày.
Tính từ 20/3 đến nay, Ban vận động Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tiếp nhận của hơn 4.600 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền - hàng là hơn 231 tỷ đồng; Đã chi hỗ trợ các Y, bác sĩ, lực lượng tình nguyện viên và mua trang thiết bị y tế số tiền hơn 117 tỷ đồng.
Có lẽ thành phố là nơi có hoạt động từ thiện phổ biến và đa dạng nhất cả nước. Dù còn khó khăn nhưng chính quyền thành phố đã có những hỗ trợ đồng bào nghèo vượt qua những ngày khó khăn này.
Tính đến cuối tháng 8/2020, giải quyết theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ, Thành phố hỗ trợ cho hơn 545.000 đối tượng với số tiền hơn 596 tỷ đồng. Cụ thể: hỗ trợ cho cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương ngừng việc, hoãn việc, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ nghỉ việc không hưởng lương theo Nghị quyết số 02 của Hội đồng nhân dân Thành phố; người bán vé số; người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo riêng của thành phố; người bán hàng rong buôn bán nhỏ và không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển…
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM khẳng định, việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng đến những người dân gặp khó khăn luôn đảm bảo đúng đối tượng, không để bất kỳ trường hợp nào bị bỏ sót.
Ông Lê Minh Tấn cho biết: “Công nhân bị ngừng việc, mất việc ở trong các doanh nghiệp thì Ban quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất kiểm tra, giám sát. Nếu họ có tài khoản riêng hoặc ATM thì mình chuyển qua đó để công nhân không phải chờ đợi. Đối tượng chính sách có công nếu có ATM hoặc có tài khoản riêng thì mình chuyển trực tiếp. Nếu không có thì mình đến tận nhà mình chi cho bà con. Mặt trận, dân phố, tổ dân phố, ấp tiến hành giám sát, kiểm tra vừa không để trùng lắp vừa không để sai sót”.
Có lẽ cảm động nhất là hình ảnh của người dân được hỗ trợ gạo, thực phẩm trong những lúc khó khăn. Chị Nguyễn Mỹ Phượng, công nhân may làm ở quận Bình Tân kể, thu nhập mỗi tháng 5 triệu đồng nhưng từ khi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng công việc, xưởng may nơi làm việc đã đóng cửa, bị mất việc, nhà còn 2 con nhỏ, thêm bà ngoại ở cùng, chồng thì đau ốm triền miên nên không đi bán vé số được, cả nhà phải hết sức tiết kiệm. Khi hay tin có máy ATM gạo cấp phát miễn phí cho người nghèo, chị vui mừng và đến đây xếp hàng từ sáng, cho biết: “Em không có đi làm được nên không đủ tiền trang trải cuộc sống trong gia đình. Hôm nay em thấy ở đây có phát gạo em đến lấy về để sống qua ngày, giúp gia đình sống được”.
Những việc làm nghĩa tình trong mùa dịch đã và đang đem đến cho mọi người lòng tin yêu vào cộng đồng, chung tay chia sẻ với nhau, đồng lòng vượt qua dịch bệnh. Qua đó, những người đang có hoàn cảnh khó khăn thấy ấm lòng trong lúc khó khăn.
Tại những cửa hàng nhu yếu phẩm 0 đồng, người nghèo đến mua hàng đều tự lựa chọn những thực phẩm mình cần mà không phải trả bất kì khoản phí nào. Nhiều người đã bật khóc không phải nhận được quà mà bởi vì cảm nhận được tình cảm giữa con người với nhau những lúc khó khăn dịch bệnh.
Nhận được phần quà cùng quần áo, rau củ miễn phí từ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Củ Chi, chị Lê Thị Kim Phụng xúc động bày tỏ: “Em rất biết ơn vì đã có món quà động viên tinh thần vì công nhân nữ sống xa nhà, xa quê nên cuộc sống rất khó khăn, vừa ở nhà trọ, vừa đi làm, lương cũng không được khá lắm. Em hy vọng sự chăm lo này sẽ giúp công nhân ngày càng chăm lo làm việc để phát triển đất nước hơn”.
Người dân TPHCM không chỉ dành những phần quà thiết thực và ý nghĩa cho người nghèo khó mà còn hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về tham gia hiến máu tình nguyện thông qua lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.
Từ anh xe ôm, chị công nhân đến đông đảo các bạn đoàn viên, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức còn tham gia làm công tác tình nguyện hiến máu từ 4 - 10 lần, thậm chí 15-20 lần đã đến tham gia. Tất cả mọi người đến hiến máu đều có chung một tâm niệm là mong muốn được tham gia cùng với ngành y tế chung tay khắc phục khó khăn về máu hiện nay.
Bạn Hà Quang Chức – ngụ Quận 2 chia sẻ: “Cảm giác lúc đầu hiến máu thì hơi sợ nhưng sau khi hiến thì cảm thấy sức khỏe rất bình thường và cảm thấy vui vì có thể góp một phần nhỏ để chia sẻ với các bệnh nhân đang thiếu máu trong các bệnh viện, cùng cộng đồng chia sẻ với các bệnh nhân. Trong thời gian giãn cách xã hội, lượng máu lại thiếu mình tham gia hiến máu tình nguyện sẽ giúp ích rất nhiều trong mùa dịch này".
Ông Trần Trường Sơn – Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ TPHCM – Phó ban Chỉ đạo Vận động Hiến máu tình nguyện Thành phố xúc động cho biết, đây thực sự là giá trị nhân văn cao cả “thương người như thể thương thân” của người dân Thành phố.
“Chúng tôi thấy tinh thần, nghĩa cử của người dân TPHCM không chỉ trong việc hiến máu mà trong tất cả những hoạt động nhân đạo xã hội hầu như bà con nhân dân thành phố đều một lòng, một dạ để ủng hộ, bất kể nghèo hay giàu. Trong thời điểm đang khó khăn về máu trong mùa dịch Covid-19 nhưng vẫn có một hàng dài người đứng xếp hàng chờ đến lượt mình hiến máu. Chúng tôi hết sức cảm kích tấm lòng hào hiệp, nghĩa tình của người dân TP”.
Những đóng góp của người dân, từ thùng mì tôm, ổ bánh mì, chai nước, những nải chuối, củ khoai đến những hiện kim khác nhưng tất cả đều chứa đựng một giá trị tinh thần động viên đến lực lượng đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch và người đang cách ly.
Theo Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM: “Thực sự rất xúc động sự chung tay hỗ trợ của người dân, mỗi người mỗi cách, từ học sinh cho tới bác hưu trí, đồng bào chiến sỹ, cán bộ, doanh nghiệp. Thực ra doanh nghiệp lúc này cũng đang rất khó khăn. Họ vừa phải chăm lo đời sống cho người lao động của chính họ, vừa phải chăm lo góp sức cho TP khi trích ra những khoản tiền để ủng hộ cho quỹ phòng chống dịch Covid-19 này.
Thay mặt nhân dân TPHCM, tôi cám ơn tấm lòng vàng của mỗi người dân, doanh nghiệp, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã có những hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho lực lượng phòng chống dịch”.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu kêu gọi Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tiếp tục đồng hành cùng Thành phố, chủ động phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và xã hội; Tuân thủ các hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong công tác phòng chống dịch, tham gia ứng phó với các tình huống; Tiếp tục chung tay góp sức cùng Thành phố để cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Phương Dung
>>>> Ngời sáng thành phố nghĩa tình mang tên Bác (Phần 2)
TPHCM: Nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - UBND TPHCM vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị của Sở Du lịch về hỗ trợ các DN du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay theo 2 kịch bản.
Hội chữ thập đỏ TPHCM trao hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - Sáng 28/08, Hội chữ thập đỏ TPHCM đã tổ chức hoạt động truyền thông “Ứng phó với dịch bệnh Covid-19” tại ba quận Bình Tân và Tân Bình và Bình Thạnh.
Hỗ trợ hơn 1.800 người khuyết tật bị ảnh hưởng dịch COVID-19 - Chiều ngày 3/7, Hội Chữ thập đỏ TPHCM phối hợp Quỹ Tâm nguyện Việt tổ chức chương trình: “Hỗ trợ người khuyết tật trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”.