Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người dân hạn chế tối đa ra đường, cùng TP dập dịch trong 'giai đoạn vàng' 15 ngày

(VOH) - Những ngày sắp tới, người dân hạn chế tối đa việc ra đường, để hướng tới mục tiêu là kiểm soát khoanh vùng và dập dịch được trong "giai đoạn vàng" 15 ngày.

Tối 12/7, tại Trung tâm Báo chí TP, buổi họp báo về cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM đã diễn ra.

Về việc ngưng hoạt động một số siêu thị lớn để phục vụ cho công tác phòng chống Covid-19, theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, tính đến nay, thành phố có 68/273 chợ đang hoạt động; trong đó có 4 siêu thị và 3 cợ đầu mối đang tạm ngưng do liên quan đến xuất hiện ca nhiễm Covid.

Một số chợ truyền thống tạm ngưng cũng liên quan đến các ca Covid-19, tuy nhiên cũng có một số chợ truyền thống do địa phương căn cứ theo bộ tiêu chí an toàn không đảm bảo nên địa phương yêu cầu tạm ngưng phục vụ.

nguoi-dan-han-che-toi-da-ra-duong-de-cung-tp-dap-dich-trong-giai-doan-vang-15-ngay-voh.com.vn-anh1
Chốt kiểm soát trên đường Hậu Giang giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận 6 được thành lập vào sáng 9/7. Ảnh: SGGP

Còn vấn đề nguồn cung ứng hàng hóa cho thành phố, Sở Công Thương đã có kế hoạch cung ứng đầy đủ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tuy nhiên do do tình hình dịch ở địa phương xung quanh Thành phố diễn biến phức tạp, phải triển khai nhiều biện pháp chống dịch, chính vì thế ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên đối với các siêu thị lớn, các điểm phân phối lớn thì tương đối ổn, hàng hoá đáp ứng nhu cầu: "Trong các siêu thị có kho dự trữ, có nguồn hàng dự phòng nên lúc nào hàng hoá cũng có thể được cung ứng. Tuy nhiên, đối với các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ đặc biệt là các cửa hàng tiện lợi, đa số bán hàng tiêu dùng hàng ngày, rất ít bán thực phẩm tươi sống.

Chúng tôi cũng đã huy động các cửa hàng này để tăng cường các sản phẩm, thực phẩm tươi sống. Với những cửa hàng nhỏ không có kho dự trữ, khi tập trung mua sắm nhiều thì chắc chắn các cửa hàng này sẽ thiếu hàng. Còn trên tổng thể toàn thành phố, hàng hoá chắc chắn đảm bảo luôn luôn có nguồn hàng dự trữ để cung ứng cho người dân".

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố cho hay, lưu lượng giao thông trong 4 ngày qua đã giảm 70% đến 80%, có những thời điểm giảm đến 90%. Còn về vận tải hàng hóa, đảm bảo vừa giãn cách vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa từ các tỉnh về Thành phố và ngược lại.

Thành phố cũng đã trao đổi với Bộ giao thông và các tỉnh để đưa đến thống nhất cấp giấy nhận diện ưu tiên, thành phố cấp gần 17 ngàn giấy luồng xanh cho các xe ưu tiên, đa phần hàng hóa thiết yếu cho sở công thương, cho hệ thống Coopmart, đặc biệt là một số xe ở An Giang, Tiền Giang, Tây Ninh về Thành phố.

"Thứ nhất là việc thống nhất kiểm tra các chốt linh hoạt, các địa phương chủ động không để ùn tắc, thứ hai là trong địa bàn thành phố không tổ chức kiểm tra giấy xét nghiệm. Giấy xét nghiệm chỉ tổ chức kiểm tra ở các chốt giáp ranh.

Tiếp theo là việc tổ chức cho công nhân, thành phố cũng đưa ra các cấp độ. Thứ nhất là tổ chức 3 tại chỗ: sản xuất, sinh hoạt, ăn uống tại chỗ để hạn chế việc đi lại. Thứ hai là nếu đi lại thì phải tổ chức đưa đón xe ô tô đưa rước công nhân tập trung, trong trường hợp không tổ chức được nữa thì phải thay đổi quy trình sản xuất để có điều chỉnh phù hợp.

Đề nghị người dân tiếp tục cố gắng thêm 10 ngày nữa để chúng ta thành công chiến dịch này", ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho hay, vấn đề quan tâm rất lớn của người dân và cơ quan hiện nay đó là vấn đề vắc-xin, Thành phố sẽ được phân bổ hơn 54.000 liều vắc-xin Pfizer.

Dự kiến trong thời gian ngắn nữa, theo thông tin từ Bộ Y tế, thành phố sẽ được tiếp nhận thêm 1 triệu liều vắc xin Moderna và 100.000 liều vắc-xin AstraZeneca.

Với hơn 1 triệu liều này, ngành y tế thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm cho người dân trên địa bàn, cụ thể là triển khai tiêm tại 312 trạm y tế trên địa bàn, mỗi trạm tiêm có 2 bàn tiêm, phường xã có dân đông thì bố trí thêm bàn tiêm nhưng mỗi trạm tiêm chỉ tiêm 120 người và tổ chức giãn cách.  Sau 2 đến 3 tuần, thành phố sẽ tiêm hết được số vắc-xin phân bổ:

"Đợt này, thành phố ưu tiên đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, ưu tiên cho người mắc bệnh mãn tính, người già trên 65 tuổi, đối tượng người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ tiện ích, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư, các ngành nghề khác và công nhân là người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, chúng ta tiếp tục tổ chức những đội tiêm gồm điều dưỡng, bác sĩ khám sàng lọc, tổ theo dõi sau tiêm. Đặc biệt chúng ta vẫn cơ cấu các bác sĩ cấp cứu, phòng ngừa các sự cố sau tiêm xảy ra".

Bên cạnh đó, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố chia sẻ thêm thông tin, tính từ 0 giờ ngày 9/7 cho đến 17 giờ ngày 12/7 thì 21 quận - huyện và Thành phố Thủ Đức của TPHCM đã thành lập hơn 7.300 cuộc kiểm tra với trên 640 đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt hành chính trên 1.200 vụ.

Trong những ngày sắp tới, các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tối đa việc ra đường, để hướng tới mục tiêu là kiểm soát khoanh vùng và dập dịch Covid-19 trong giai đoạn vàng 15 ngày.

Bình luận