Người dân TPHCM cùng quyết tâm vượt qua dịch bệnh Covid-19

(VOH) - Chiều 21/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cùng ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì cuộc họp.

Tại buổi họp báo, ông Phan Nguyễn Như Khuê bày tỏ lo lắng khi mật độ lưu thông trong ngày hôm qua đông hơn bình thường, các siêu thị, trung tâm thương mại người dân tập trung đông, không đảm bảo yêu cầu giãn cách,... điều này gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê kêu gọi: "Không chỉ là Ban chỉ đạo phòng chống dịch kiểm soát dịch, không chỉ là cơ quan chuyên ngành, y tế chuyên môn, mà phải được sự hưởng ứng đồng thuận và sự nghiêm túc thực hiện của bà con nhân dân thì phòng chống dịch mới có hiệu quả.

Người dân hiểu chia sẻ, hưởng ứng thấy rằng sự bình an của thành phố, trong đó có từ chính nhân dân. Thành phố nỗ lực tối đa nhưng cũng mong bà con nhân dân sẵn sàng đồng thuận, cùng hưởng ứng nghiêm ngặt, thì thành phố chúng ta mới sớm trở lại bình yên".

xay-dung-moi-phuong-xa-thi-tran-moi-co-quan-nha-may-xi-nghiep-la-mot-phao-dai-chong-dich-voh.com.vn-anh1
Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: SGGP)

Ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, phương châm của thành phố là: Xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch, kể từ 0h ngày 23/8 đến hết ngày 6/9.

Thành phố thực hiện triệt để giãn cách xã hội: thực hiện nghiêm nhà cách ly với nhà, khu phố ấp cách ly với khu phố ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.

TPHCM thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung những vùng có nguy cơ cao và rất cao. Thành phần tổ công tác gồm: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn; công an, quân đội; công chức viên chức thành phố, quận huyện, thành phố Thủ Đức; thành viên tổ covid cộng đồng, tham gia công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân giãn cách xã hội, đi chợ thay dân, thực hiện an sinh xã hội, và do phường xã quản lý.

"Từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, tất cả cơ quan đơn vị doanh nghiệp của thành phố, trung ương đóng trên địa bàn thì triển khai phương án 3 tại chỗ hoặc 1 cung đường 2 điểm đến. Tối đa ¼ cán bộ công chức, viên chức người lao động và phải có mặt tại cơ quan đơn vị trước 0h ngày 23/8. Các nhóm đối tượng được lưu thông thì vẫn thực hiện theo công văn 2718 nhưng bắt buộc phải có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo qui định. Lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ tạm ngưng hoạt động tại Thành phố Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn. Các quận còn lại thì shipper hoạt động trong quận, không chạy liên quận và yêu cầu có dấu hiệu nhận diện riêng theo quy định", ông Phạm Đức Hải cho biết thêm.

Về gói an sinh xã hội thì Ban chỉ đạo cũng thông tin việc chia ra làm hai nhóm: nhóm vùng xanh, vùng vàng và nhóm vùng cam, vùng đỏ. Mỗi nhóm cũng chia thành 2 nhóm người dân.

Với nhóm vùng xanh, vùng vàng, thì người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ sẽ được đi chợ 1 lần/tuần; Những người dân có hoàn cảnh khó khăn, sẽ nhận gói hỗ trợ do tổ công tác đặc biệt phát tới tận nhà dân, 1 lần 1 tuần.

Với nhóm vùng cam, vùng đỏ: người dân có điều kiện, chưa cần sự giúp đỡ, tổ công tác sẽ đi chợ dùm 1 lần 1 tuần. Bà con có có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói an sinh xã hội do tổ công tác đặc biệt phát tới tận nhà dân, 1 lần 1 tuần. Gói an sinh xã hội bao gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, nước tương, nước mắm,…

Ông Lê Huỳnh Minh Tú – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thành phố đã cung cấp gần 3.000 địa chỉ mua sắm tại các phường, xã, thị trấn. Trường hợp các địa chỉ này cung cấp hàng hóa bị thiếu thì thành phố sẽ đưa xe lưu động dến cho người dân mua: "Trên địa bàn thành phố qua một thời gian dài giãn cách thì việc cung ứng hàng hóa cho người dân vẫn đảm bảo duy trì. Dù 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, nhưng bằng hệ thống thương lái và sự chủ động của các hệ thống phân phối thì các nguồn hàng phục vụ cho thành phố vẫn được đảm bảo. Trong thời gian tới, mình điều chỉnh nhỏ duy nhất là cách người dân có được đến siêu thị hay đến chợ tùy theo vùng sinh sống, do đó việc nguồn cung ứng sẽ không bị ảnh hưởng".

Về công tác tiêm chủng, hiện thành phố đã tiêm gần 5,3 triệu mũi, trong đó gần 178 ngàn người đã tiêm mũi 2. Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai xây dựng trạm y tế lưu động.  

Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó giám đốc Sở Y tế cho biết thêm: "Số lượng trạm y tế lưu động thì tùy theo từng địa phương. Hiện nay, chúng tôi thiết lập khoảng 400 trạm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 24/8: lập 150 trạm, sau đó lập thêm để cho đủ 400 trạm. Về nhân lực thì có 1 bác sĩ, 2 đến 3 điều dưỡng, bình oxy, thiết bị đo oxy, dụng cụ test nhanh, dụng cụ cấp cứu cơ bản và các dụng cụ khám chữa bệnh khác".

Với biến chủng Delta khó lường, phức tạp, lây lan rất nhanh và để công tác chống dịch thành công, rất cần sự ủng hộ, đồng lòng từ chính mỗi người dân. Ông Phạm Đức Hải – Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM mong muốn: "Trân trọng đề nghị người dân thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch theo phương châm 5K + vaccine + thuốc. Chúng ta cùng nhau thắt lưng buộc bụng để sẵn sàng chia sẻ khó khăn và sẵn sàng chung tay đoàn kết vượt qua dịch bệnh".

Bình luận