Chờ...

Nhóm giải pháp nào TPHCM cần tập trung để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh?

(VOH) - Đến nay, TPHCM thu hút 8.000 dự án với số vốn đăng ký gần 45 tỷ đô la Mỹ, chiếm 23% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 22% nguồn vốn thị trường chứng khoán TP.

Cải thiện hạ tầng giao thông, giải quyết ùn tắc ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sớm hoàn thiện hệ thống Metro, cải cách thủ tục, cải thiện nguồn nhân lực, tăng tính minh bạch trong chính sách thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư kinh doanh, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch… đây là mong muốn của các doanh nghiệp FDI tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 chủ đề “TPHCM hội tụ nguồn lực, kiến tạo tương lai” diễn ra sáng 23/3 do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chủ trì với gần 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham dự.

Đầu tư nước ngoài đóng góp nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đến nay, TP đã thu hút 8.000 dự án với số vốn đăng ký gần 45 tỷ đô la Mỹ, chiếm 23% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 22% nguồn vốn thị trường chứng khoán TP. Bên cạnh đó, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI mỗi năm đạt khoản 20 tỷ đô la Mỹ, chiếm gần 59% kim ngạch xuất khẩu TP.

Hoa Kỳ là một trong những nhà cung cấp lớn về sản xuất, cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất VN. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ - bà Anamda Rasmussen, bày tỏ e ngại việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của pháp luật và quy định tại Việt Nam bao gồm chính sách thuế và thuế suất sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp; vấn đề kiểm tra thông quan, kiểm tra thuế cũng tạo khó khăn cho doanh nghiệp.

Phải có lộ trình cho giá điện

Từ đó, bà Anamda Rasmussen đề xuất cần tạo cho nhà đầu tư nước ngoài sân chơi bình đẳng. Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn tác động tiêu cực, hồi tố ràng buộc của các luật và quy định mới được ban hành đối với các dự án hiện hữu. Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất TP chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng, năng lượng sạch, có lộ trình cho giá điện trong 5 năm tới.

Theo bà Anamda Rasmussen, việc thực hiện tốt chính sách sẽ giúp tăng hiệu suất và giảm rủi ro cho các doanh nghiệp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của VN phát triển. “Chính phủ VN cần giải quyết sự thiếu hụt ngày càng tăng nguồn cung cấp điện. Các doanh nghiệp AmCham rất muốn phát triển năng lượng cho TP để bảo vệ môi trường, sức khỏe, kinh tế và mục tiêu an ninh quốc gia nên hy vọng TPHCM áp dụng nghị quyết 54 của Quốc hội, có giải pháp thỏa đáng những vấn đề về giá cả và thỏa thuận buôn bán điện”, bà Anamda Rasmussen nói.

hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019

Gần 200 doanh nghiệp FDI tham dự hội nghị

Cải thiện giao thông và thủ tục hành chính

Riêng đối với Úc - đối tác lớn thứ 8 ở VN, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động giáo dục, dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ. Theo ông Matthew Lourey, các nhà đầu tư Úc hiện đang lo lắng về tình trạng ùn tắc giao thông và sự chậm trễ của các dự án Metro, các chiến lược ưu tiên vận tải công cộng… Đại diện Úc đề nghị cần cải thiện năng suất hệ thống sân bay, giải quyết kẹt xe sẽ giúp cho TP phát triển kinh tế và du lịch. Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp này cũng đề xuất cần trả đúng hồ sơ giấy tờ đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư vào ngày thỏa thuận và trông đợi chính sách minh bạch hơn.

“Các nhà đầu tư đang thất vọng về tình trạng ùn tắc giao thông và tiến độ chậm trễ của tàu điện ngầm. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì xu hướng đặt cơ sở tại TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng sẽ giảm. Các chiến lược bao gồm ưu tiên giao thông công cộng, cung cấp đầy đủ chỗ đậu xe và hạn chế vận chuyển tư nhân vào khu vực trọng yếu là tất cả lĩnh vực cần tập trung làm”, ông Matthew Lourey gợi ý.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Đây là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế tăng trưởng trên 8%; TP đang đóng góp 24% tổng sản phẩm quốc nội, 29% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Hiện TP có gần 12.000 doanh nghiệp FDI với số vốn đầu tư 438.000 tỷ đồng tuy nhiên đã đóng góp cho ngân sách 62.000 tỷ đồng. Như vậy, bình quân một doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách TP, giải quyết việc làm cho 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP cũng thẳn thắng chia sẻ, TP không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, trốn trách nhiệm môi trường, tổn hại đến uy tín TP. 

“Hiệp hội doanh nghiệp TP chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đề xuất 10 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài mong muốn, đặt hàng đối với Chính quyền TP để triển khai trong năm 2019. Quan điểm nhất quán của TP là xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, mang tính cạnh tranh theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với các cam kết trong các hiệp định FTA thế hệ mới”, ông Phong đề nghị.

Tập trung vào 9 nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định: “Mỗi đồng vốn đầu tư vào kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn là “lá phiếu” ủng hộ đối với chính quyền TP trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bí thư Thành ủy, TP sẽ tập trung vào 9 nhóm giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: “Nhóm giải pháp thứ nhất là tháo gỡ khó khăn cho các chương trình, đề án mà đã chậm trong thời gian qua. Tiêu biểu là dự án Metro 1 và 2. Vừa qua đã làm việc với nhà đầu tư Nhật Bản xung quanh việc triển khai dự án Metro số 1 và số 2. Tuy có bị chậm, nhưng các nhà đầu tư cam kết phấn đấu cuối 2020, cơ bản hoàn thành xây dựng kỹ thuật tuyến Metro số 1 để đầu 2021 vận hành thử. Chủ tịch TP cũng mới ký quyết định tạm ứng vốn của TP để nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục triển khai.

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để vừa nâng cao năng lực quản lý của các doanh nghiệp Nhà nước, vừa thu hút nguồn vốn xã hội. Năm 2019, 2020 là năm tập trung thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của TP.”