Chờ...

Những nội dung trình HĐND Thành phố về triển khai Nghị quyết 98

VOH - Tại kỳ họp thứ 11 của HĐND TPHCM khóa X xem xét các tờ trình của UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết triển khai nội dung cụ thể Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Đây là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tờ trình nêu rõ việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh một đô thị lớn, không ngừng phát triển như TPHCM.

Đây sẽ là cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong hoạt động phối hợp liên ngành theo mô hình Ban Quản lý trước đó.

Những nội dung trình HĐND Thành phố về triển khai Nghị quyết 98 1
Các đại biểu HĐND TPHCM dự kỳ họp thứ 11

Tờ trình số 4538 về quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha để thực hiện dự án trên địa bàn TPHCM. 

Việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa được xem xét dựa trên nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi; phải đảm bảo phù hợp với các loại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được quyết định, phê duyệt; đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. 

Tờ trình số 4564 về quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao, văn hóa.

Trong đó, lĩnh vực y tế: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên; 

Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Đối với dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên; Đối với dự án đầu tư cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên;  Đối với dự án đầu tư xây dựng trường lớp: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên.

Lĩnh vực thể thao và văn hóa: với các thiết chế thể thao và văn hóa do Thành phố quản lý: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng trở lên; Với các thiết chế thể thao và văn hóa do quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn quản lý: Quy mô đầu tư dự án có tổng mức đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên. 

Tờ trình số 4581 về quy định chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức

Trong đó, quy định nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan chuyên môn, nhiệm vụ của tổ chức hành chính khác, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức.

Tờ trình số 4582 về cơ cấu tổ chức bộ máy tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức, gồm cơ cấu tổ chức của UBND thành phố Thủ Đức; số lượng, tên gọi và cơ cấu tổ chức của các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố Thủ Đức; thí điểm thành lập 3 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức (Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức; Trung tâm An sinh xã hội thành phố Thủ Đức; Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Thủ Đức) với thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. 

Tờ trình số 4598 về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn

Đến ngày 30/5, có 78% trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn thuộc Thành phố có quy mô dân số vượt qua tiêu chuẩn dân số
quy định tại tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp xã. Đặc biệt, giai đoạn 2022 - 2026, bình quân 1 cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn tại TPHCM đang phục vụ 1.554 người dân, gấp 3 lần so với số lượng người dân mà một cán bộ, công chức bình quân cả nước phục vụ.

Do đó, UBND TPHCM trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết về Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt
động không chuyên trách theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn; nhằm đảm bảo số lượng đội ngũ hợp lý và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, kịp thời.

Ước dự toán tổng ngân sách cần bổ sung để đảm bảo giải quyết chế độ, chính sách hằng năm đối với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tăng bổ sung theo Đề án là 495,123 tỷ đồng/năm.

Tờ trình số 4601 về ban hành quy định về chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Việc này nhằm tạo động lực đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực, giảm thiểu tình trạng nghỉ việc, chảy máu chất xám và thiếu hụt nhân lực trong thời gian vừa qua; 

Tờ trình số 4620 về quy định chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố

Trong đó điều chỉnh, bổ sung thêm một số ngành nghề, lĩnh vực vào Chương trình hỗ trợ lãi suất mà Thành phố đang khuyến khích phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp công nghệ cao, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ tập trung vào 6 ngành công nghiệp ưu tiên, giáo dục - đào tạo, y tế… với mức vốn vay tối đa của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng/dự án; thời gian hỗ trợ lãi suất đối với các dự án không quá 7 năm; tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 -
2025 dự kiến khoảng 3.400 tỷ đồng.

Tờ trình số 4621về ban hành danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).

UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết ban hành danh mục 05 dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại Hợp đồng BOT mà trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030, gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu rạch Vĩnh Bình, giáp ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc - đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3);  Mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh - nút giao cầu Bà Chiêm); Xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). 

Ngoài ra, cũng tại kỳ họp này, UBND thành phố trình HĐND Thành phố thông qua 98 tờ trình , trong đó 87 tờ trình về chủ trương đầu tư của 87 dự án đầu tư công.

Còn lại là các nội dung kinh tế - xã hội khác như quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn, chính sách hỗ trợ chi phí điều trị tật khúc xạ mắt đối với công dân đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương....