Sáng nay (26/11), Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức hội nghị Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân Thành phố năm 2019. Đến dự có bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy và ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố.
Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên, nông dân
Thành phố hiện có hơn 52.000 hộ có hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và diêm nghiệp. Giá trị sản xuất bình quân năm 2010 - 2019 tăng 5,5%; một số chỉ tiêu vượt khá như giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng cao, từ 158,5 triệu đồng/ha/năm năm 2010 lên 502 triệu đồng/ha/năm năm 2018…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, như sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, không xin được chứng nhận VietGAP do không quy hoạch vùng sản xuất...
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố đề xuất: “UBND Thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ, bộ ngành hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất đai. Xem xét và sớm ban hành văn bản hướng dẫn về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất trồng lúa, trồng mía, đất trồng khác kém hiệu quả sang đất trồng rau, nuôi tôm, chăn nuôi có hiệu quả hơn. Cho phép thực hiện thí điểm việc xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đối với công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố theo loại hình nuôi - trồng cây, con phổ biến nhất như mô hình trồng dưa lưới, trồng nấm, trồng rau các loại…”.
Tại buổi đối thoại, các cán bộ, hội viên, nông dân, các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã trình bày nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; việc vay vốn phát triển sản xuất…
Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Yến cho biết: “Hiện nay, nuôi tôm nông nghiệp công nghệ cao cần có nhà tiền chế, nhà màng. Nông dân huyện Cần Giờ đang gặp khó khăn trong vấn đề này. Ví dụ, chỉ làm một nhà màng, nhà kho thì không thể bắt chúng tôi chuyển đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở để xây dựng được. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo có chính sách sử dụng đất nông nghiệp khác để không phải chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở”.
Phát biểu tại buổi đối thoại, bà Võ Thị Dung, đề nghị Thành phố cần phải quyết liệt làm sao khai thác hiệu quả quỹ đất hiện nay chưa đưa vào sử dụng các dự án.
Quỹ đất này rất lớn nhưng không có cơ chế cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, bà đề nghị các cơ quan cần tăng cường giám sát về quản lý sử dụng đất đai sao cho có hiệu quả và kiến nghị để các bộ ngành phải tháo gỡ cùng với thành phố trong việc sử dụng đất cho các công trình phụ trợ.
“Liên quan đến việc cho các huyện Củ Chi, Cần Giờ thực hiện thí điểm quy trình xây dựng công trình trên đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tôi đề nghị các cơ quan Hội đồng nhân dân, đoàn Đại biểu Quốc hội cùng với cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là UBND TP và các sở ngành phải nghiên cứu và đề ra việc tổ chức chủ trương cho thí điểm khả thi, tháo gỡ điều này là tháo gỡ rất lớn cho nông nghiệp thành phố”, bà Võ Thị Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hội Nông dân Thành phố, Hội Nông dân các huyện quận cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan nhà nước để phản ánh những vấn đề khó khăn, những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, đại diện cho tiếng nói của nông dân…
Truyền thông góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề môi trường - “Truyền thông góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường”.
Đối thoại cùng chính quyền TP tháng 11/2019: Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu KT nông nghiệp - Chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố tháng 11/2019 có chủ đề “Chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.