Phải tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn học nghệ thuật Thành phố

(VOH) - Sáng 12/2, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi Họp mặt văn nghệ sĩ Mừng Xuân - Mừng Đảng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tham dự phát biểu chỉ đạo chương trình.

Cuộc họp mặt có sự tham gia của 94 văn nghệ sĩ là các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình văn học nghệ thuật, kiến trúc sư, nghệ sĩ múa, nhà biên kịch, nhà điêu khắc, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đại diện cho 9 Hội văn học nghệ thuật thành phố và một số nghệ sĩ ưu tú, diễn viên, ca sĩ thuộc Sở Văn hóa và Thể thao và Thành Đoàn là những nghệ sĩ đã trực tiếp, tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố…

Phải tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn học nghệ thuật Thành phố 1
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi văn nghệ sĩ tại buổi Họp mặt văn nghệ sĩ Mừng xuân - Mừng Đảng.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM Nguyễn Trường Lưu cho biết: Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc, văn nghệ sĩ đã nhập cuộc cùng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố ngay từ những ngày đầu. Rất nhiều nghệ sĩ đã quên mình, lăn xả bất chấp hiểm nguy đem hàng hóa lương thực, vác từng bình oxy từ các nguồn tự khai thác đến với những căn hộ đang kêu cứu. “Nhiều nghệ sĩ đã kiệt sức, nhiễm bệnh trên hành trình thiện nguyện ấy và có người đã ra đi trong niềm thương tiếc của cả cộng đồng. Trong hàng trăm bếp ăn từ thiện hình thành ở khắp Thành phố, có không ít bếp toàn là nghệ sĩ. Nhóm từ thiện “Thương Sài Gòn của Hội Sân khấu tổ chức, bếp ăn cung cấp 1.000 suất ăn trưa và chiều mỗi ngày cho văn nghệ sĩ, công nhân, người lao động cơ nhỡ, người dân trong khu vực cách ly”, ông Lưu cho biết thêm.

Không giấu được niềm vui, xúc động khi được lãnh đạo Thành phố quan tâm, lắng nghe góp ý từ đội ngũ văn nghệ sĩ Thành phố, nhằm giúp hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển, Nhà giáo ưu tú Đoàn Mạnh Dung chia sẻ: “Điều trước tiên là tôi rất hồi hộp và ngay đứng tại đây, cảm xúc lâng lâng, lại vừa phấn khởi. Trong đại dịch của hai năm mấy rồi, bước sang năm Nhâm Dần 2022, thì tất cả hoạt động của nghệ thuật cũng như trong nền ca nhạc, sân khấu nói chung, được bắt đầu khởi động. Đây là điều báo hiệu cho năm mới Nhâm Dần và báo hiệu cho Thành phố Hồ Chí Minh chúng mình bước vào giai đoạn mới, cuộc sống bình thường mới nhưng đầy năng lực, và sức mạnh như những ông chúa sơn lâm”.

Việc quảng bá tác phẩm đạt giải cao của Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cũng được Sở Văn hóa - Thể thao chú trọng. Nhờ đó, các tác phẩm văn học nghệ thuật tạo được sức lan toả tốt trong Nhân dân, góp phần hiệu quả trong xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh, đưa những tác phẩm VHNT giàu tính tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật lan toả trong đời sống xã hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy thông tin: “Các đơn vị nghệ thuật công lập cùng với sự tham gia của các sân khấu, đơn vị nghệ thuật ngoài công lập duy trì nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ thường xuyên trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, mô hình biểu diễn nghệ thuật phục vụ ngoại thành và vùng nông thôn mới, sân khấu phục vụ đối tượng thiếu nhi, chương trình “Sân khấu học đường đã phục vụ học sinh và nhân dân vùng sâu, vùng xa. Quan tâm đẩy mạnh mức thụ hưởng văn hóa cho Nhân dân, kéo giảm mức thụ hưởng văn hóa nội thành và ngoại thành. Đã phối hợp với Ủy ban MTTQVN Thành phố, Ủy ban về Người Việt Nam nước ngoài tổ chức thường xuyên các chương trình nghệ thuật phục vụ đồng bào, cán bộ chiến sĩ vùng biên giới hải đảo, và kiều bào ta ở nước ngoài để thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân”.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên ghi nhận những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong suốt thời gian qua, nhất là trong thời kỳ mà Thành phố căng mình chống dịch. Trong những ngày khó khăn đó, đã ghi nhận được sự cống hiến, có cả sự hy sinh của văn nghệ sĩ để gánh vác, chia sẻ với những khó khăn của người dân. Để văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới phát triển, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu: cần phải xây dựng môi trường văn hóa gắn với học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố rà soát, đánh giá lại thực trạng, tình hình, kết quả thực hiện các chủ trương chính sách của Thành phố về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời gian qua. Nâng cao chất lượng đào tạo văn nghệ sĩ, nhất là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát hiện bồi dưỡng, nhất là trọng dụng và phát huy tài năng văn học nghệ thuật đối với Thành phố này. Phải thật sự tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn học nghệ thuật Thành phố, không nói chung chung. Phần nào đẩy mạnh xã hội hóa văn học nghệ thuật, phải có qui định, có làn ranh pháp lý và có tác động của lãnh đạo. Lãnh đạo phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Cần thiết theo đề nghị là phải có quỹ phát triển văn học nghệ thuật của Thành phố, rạch ròi về mặt pháp lý”.