Cần chú trọng giáo dục tri thức nghệ thuật

(VOH) - Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm xây dựng con người có nhân cách lối sống tốt đẹp, với lòng yêu nước nồng nàn, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, trung thành, chung thủy, hiếu thảo, đoàn kết...

Đó là tham luận của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thành phố trong chương trình “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Văn hóa”. Đây là chương trình “Đối thoại Văn hóa” do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện

Theo nhạc sĩ Trần Long Ẩn, "trong xây dựng văn hóa, trọng tâm xây dựng con người có nhân cách lối sống tốt đẹp, với lòng yêu nước nồng nàn, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, trung thành, chung thủy, hiếu thảo, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nhưng muốn chăm lo xây dựng con người, theo tôi, trước hết, phải chăm lo giáo dục con người bằng những phương thức khác nhau. Nhưng giáo dục bằng văn học nghệ thuật, là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhanh nhất. Đặc biệt về giáo dục tri thức nghệ thuật, thứ hai là giáo dục về thị hiếu thẩm mỹ, bởi vì cái đẹp là trung tâm của các mối quan hệ thẩm mỹ mà các nhà triết học phương đông, gọi là các mối quan hệ đại hòa, thị hiếu thẩm mỹ tốt, luôn gắn liền với thị hiếu thẩm mỹ dân tộc, gắn liền với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Người có thị hiếu tốt thường có những hành động tốt và có ích cho cộng đồng.

Qua cuộc Hội thảo khoa học Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 30 năm đổi mới, nhiều ý kiến đã nhận định rất sâu sắc rằng, trong hơn 30 năm qua, Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ, phong phú và đa dạng, góp phần xứng đáng vào các nhu cầu cảm thụ văn hóa, văn nghệ của công chúng, phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của Thành phố.

Đoàn viên thanh niên tham quan bảo tàng. Ảnh minh họa: PN

Tuy nhiên, chúng ta cần nhận thức rõ hơn nữa rằng, so với vai trò, vị trí tiềm lực của Thành phố, thì việc đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật chưa tương xứng. Bảo tàng, nhà hát, nhà triển lãm chưa xứng tầm mặc dù Thành phố rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa văn nghệ.

Trước thực tiễn luôn rất sinh động của Thành phố, chúng ta chưa có những công trình văn hóa, những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính đột phá, chưa đặt nặng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa văn nghệ. Do cơ chế hay do tài năng của văn nghệ sĩ? Trước hết, do văn nghệ sĩ. Nhưng nếu cơ chế thông thoáng hơn, sẽ tạo điều kiện tốt cho văn nghệ sĩ tự do sáng tạo.

Hy vọng sắp tới, Thành phố sẽ tạo ra nhiều nguồn lực mới, để đầu tư phát triển con người thành phố. Làm sao để xây dựng văn hóa con người Thành phố Hồ Chí Minh mang nhiều cá tính độc đáo, ngày một phát triển tầm cao hơn, đó là trách nhiệm của tất cả chúng ta".

Ra mắt sách “Những ân tình trong đời": Ngày 4/7, buổi giao lưu, giới thiệu sách “Những ân tình trong đời” của tác giả Nguyễn Trung diễn ra tại TP.HCM.

 

NSƯT Trần Vương Thạch nhận Huân chương Nghệ thuật và Văn học cấp Hiệp sĩ của nước Cộng hòa Pháp: Đây là phần thưởng cho những cống hiến vì nghệ thuật âm nhạc và sự phát triển giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Pháp của NSƯT Trần Vương Thạch