Chờ...

Phát triển du lịch và tăng cường đảm bảo an toàn đường thủy

(VOH) – Ngày 29/10, chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” tháng 10 do Thường trực HĐND TP phối hợp với VOH thực hiện với chủ đề: “Quản lý và phát triển vận tải hành khách đường thuỷ”.

Trung tá Tô Quốc Khánh, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát đường thủy đã tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các chủ bến khách ngang sông thực hiện nghiêm quy định liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, tổ chức hướng dẫn các kỹ năng xử lý tình huống cho các chủ bến và người điều khiển phương tiện vận chuyển hành khách ngang sông để xử lý kịp thời khi có các tình huống xấu xảy ra.

"Trong các năm qua, mặc dù lực lượng cảnh sát đường thủy thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng trực thuộc sở GTVT tăng cường công tác tuyên truyền đến chủ bến và người điều khiển phương tiện thực hiện nghiêm quy định trong quá trình vận chuyển hành khách, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao, khi không có lực lượng chức năng các chủ bến và người điều khiển phương tiện thường không hướng dẫn hành khách sử dụng áo phao, hoặc dụng cụ nổi cá nhân cầm tay khi tham gia giao thông theo quy định, dẫn đến nguy cơ thiệt hại về người khi có sự cố xảy ra" - Trung tá Tô Quốc Khánh, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát đường thủy chia sẻ.

"Trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát đường thủy ngoài tăng cường công tác tuyên truyền, sẽ có các kế hoạch chuyên đề kiểm tra xử lý đối với các phương tiện vận chuyển hành khách, đồng thời có văn bản kiến nghị Sở GTVT yêu cầu không công bố lại, không gia hạn hoạt động đối với bến vận chuyển hành khách vi phạm nhiều lần" - Trung tá Tô Quốc Khánh nhấn mạnh.

Phát triển du lịch và tăng cường đảm bảo an toàn đường thuỷ 1
Vận tải hành khách đường thủy của thành phố đã phát huy được nhiều tiềm năng và lợi thế. 

Còn về phát triển du lịch địa phương, ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 8 cho biết, trong năm 2022, quận đã đề xuất với Sở Du lịch thẩm định và công nhận một số điểm du lịch, phát huy các điểm đến du lịch gắn với đặc thù về tôn giáo, dân tộc, di tích. Ngoài ra quận 8 cũng phối hợp với Sở Giao thông vận tải cập nhật quy hoạch các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách, kết hợp du lịch để sớm công bố hoạt động, tăng thêm các điểm phục vụ đón trả khách nhằm tạo điều kiện thu hút hành khách.

Về kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn quận 8, ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh: “Quận sẽ phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đặc biệt là vận tải du lịch đường thủy, tăng cường thu hút khách du lịch đến quận, cung cấp sản phẩm du lịch đến du khách. Từng bước đề xuất xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, ngoài hệ thống cầu đường kết nối giữa quận 8 với khu vực còn lại của Thành phố để phát triển du lịch đường thuỷ gắn với xây dựng đô thị văn minh". 

Quận cũng sẽ kết hợp chặt chẽ việc khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch; giữ gìn an ninh trật tự và đặc biệt là giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn cũng như trên hệ thống sông kênh rạch. Thu hút đầu tư phát triển du lịch đối với các thành phần kinh tế địa phương; khai thác tiềm năng của cộng đồng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của nhân dân.

Phát triển du lịch và tăng cường đảm bảo an toàn đường thủy 2
Các khách mời tham gia chương trinh Đối thoại cùng chính quyền Thành phố vào sáng 29/10/2022 tại VOH. (Ảnh K.H)

Tại buổi đối thoại, chị Việt Trinh - sống ở Thành phố Thủ Đức cho rằng, xe buýt sông là một phương tiện thuận tiện cho người dân khi di chuyển, thay cho phương tiện đường bộ tuy nhiên việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy vẫn chưa được quan tâm: “Tôi thấy bất cập và không an toàn cho người dân khi đi xe buýt sông, khi lên không được mặc áo phao, thậm chí nhiều người ngồi ở phía sau con tàu sẽ không an toàn. Nhiều hành khách chụp hình ở khu vực nguy hiểm không thấy được nhắc nhở. Tôi muốn hỏi liên quan vấn đề này sẽ có phương án nào để thắt chặt việc đi xe buýt sông trở nên an toàn hơn cho người dân?”.

Về vấn đề này, ông Ngô Đặng Quá Hải, Phó phòng Quản lý đường thủy, Sở Giao thông vận tải TPHCM trả lời: “Vấn đề mặc áo phao khi tham gia giao thông trên tuyến buýt này không có quy định là bắt buộc mình phải mặc áo phao khi phương tiện vận hành, vì trên xe buýt sông đã bố trí các áo phao cũng như hướng dẫn cho hành khách khi tham gia phương tiện, sử dụng áo phao khi có sự cố. Còn về ý thức của mọi người thì có thể chủ động hoặc lấy áo phao tự mặc để tăng tính an toàn khi có sự cố xảy ra". 

Việc hành khách tham gia đi ra phía sau xe buýt sông chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, bến cũng thường xuyên nhắc nhở cũng như kiểm tra vấn đề này. Tiếp thu ý kiến chúng tôi sẽ phối hợp với công ty để làm sao đảm bảo việc an toàn cho hành khách tham gia vận hành trên buýt sông”.

Qua gần một giờ làm việc, với nhiều ý kiến gửi về chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố tháng 10, đã được các vị khách mời trao đổi và chia sẻ, cho thấy công tác quản lý và phát triển vận tải hành khách đường thuỷ được các cấp, các ngành, địa phương rất quan tâm.

Phát biểu kết luận chương trình, ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Trưởng Ban Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân Thành phố khẳng định: “Những góp ý, những mong muốn, những đề xuất của người dân Thành phố sẽ giúp cho ngành giao thông vận tải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để xây dựng kế hoạch phát triển các tuyến vận tải hành khách đường thuỷ, kết hợp vận tải hành khách và du lịch; phát triển các tuyến đường thuỷ nội địa trên địa bàn thành phố và các tuyến liên tỉnh, từ đó tăng khả năng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ; đồng thời thực hiện việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách đường thủy trên địa bàn thành phố trong thời gian tới". 

Ông Huỳnh Hồng Thanh hy vọng các giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ và hiệu quả để hoạt động vận tải hành khách đường thủy của thành phố thực sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế, đáp ứng thêm nhiều loại hình vận tải đường thủy phục vụ cho việc đi lại của người dân thành phố được thuận lợi hơn, góp phần chia sẻ với hoạt động giao thông đường bộ hiện đang quá tải và kết hợp khai thác hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ.