Thành phố có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất cả nước, có lực lượng kinh tế tư nhân lớn nhất cả nước. Không chỉ vậy, Thành phố còn là trung tâm tài chính lớn nhất cả nước, năng suất lao động của Thành phố cao nhất cả nước… Năm 2018 là năm thành công trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của khi có trên 13 Đề án, Nghị quyết được triển khai.
Cơ chế, chính sách đặc thù được đề cập trong Nghị quyết giúp Thành phố phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. Việc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh của Quốc hội được dự báo sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho quá trình quy hoạch và phát triển đô thị.
VOH phỏng vấn ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP xung quanh nội dung TPHCM sẽ phát huy nguồn lực về đất đai như thế nào để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển Thành phố một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: Báo Chính Phủ
VOH: Thời gian qua, UBND TPHCM đã và đang tiến hành triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm “tăng tốc” quy hoạch sử dụng đất. Ông cho biết công tác này được tiến hành như thế nào và đạt những kết quả cụ thể ra sao?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Năm 2019, Thành phố xác định đây là năm rất quan trọng, vì đây là năm gần như là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ Thành phố, Đại hội sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2020. Đến năm 2020, chúng ta phải tập trung nhiều vào công tác chuẩn bị Đại hội.
Do vậy, Thành phố phải xác định được những điều kiện để Thành phố phát triển. Trong đó có hai vấn đề nổi bật mà Thành phố quyết tâm phải đạt được: Thứ nhất, làm thế nào phát huy được nguồn nhân lực rất quý, rất có giá trị của Thành phố. Thứ hai, phải đưa nguồn đất đai - một tài nguyên có giá trị cao của Thành phố - đưa vào hoạt động.
Việc quản lý đất đai của Thành phố trong nhiều năm qua chúng ta cũng đã biết rằng có nhiều thiếu sót, nhưng tất nhiên là việc quản lý đất đai của Thành phố cũng đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng của Thành phố. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ hơn thì Thành phố đã cho rà soát lại những Dự án chậm, Dự án chưa triển khai theo đúng hợp đồng đã giao đất thì Thành phố kiên quyết thu hồi. Chúng tôi đã công bố danh sách các Dự án chậm triển khai qua thời gian quy định của nhà nước.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã rà soát lại các trường hợp nhà đất bán chỉ định theo Quyết định 09 của Ủy ban nhân dân Thành phố mà các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để mua mà đã vượt qua thời gian – Thành phố cũng sẽ thu hồi để bán đấu giá.
Kế đến, những Dự án mà các cơ quan đơn vị đang điều tra, kiểm tra và thanh tra – Thành phố cũng rà soát lại để làm việc với cơ quan chức năng, để những Dự án nào không liên quan hoặc không cần thiết phải kéo dài thì cho phép thực hiện những thủ tục.
Ví dụ như: Cấp giấy chứng nhận, điều chỉnh quy hoạch… để những khu vực này được đưa vào sử dụng ngay. Cuối cùng là việc rà soát quy hoạch. Hiện nay, việc triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế. Thành phố muốn điều chỉnh lại tổng thể quy hoạch chung của Thành phố, nhưng đồng thời cũng sẽ điều chỉnh cục bộ để làm thế nào các khu vực đất đai có giá trị tiềm năng của Thành phố được đưa vào sử dụng đúng tiềm năng thế mạnh của nó, không để lãng phí cũng như không gây ra những thất thoát tài sản công.
VOH: Đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, TPHCM đã phát huy nguồn lực về đất đai như thế nào để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Như tôi nói lúc đầu, vấn đề về quản lý đất đai của Thành phố - đặc biệt là khu quy hoạch trong nhiều năm qua - chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: Sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố có sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ lãnh đạo của Thành phố, và chúng ta làm khá tốt công tác quy hoạch. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm hạn chế.
Về vấn đề quy hoạch có những hạn chế trong thời gian qua: Thứ nhất, chúng ta quy hoạch chưa khai thác đúng tiềm năng thế mạnh của từng khu vực tài nguyên đất đai. Thứ hai, chúng ta quy hoạch, nhưng chúng ta chậm triển khai, thiếu sự quyết liệt trong việc mời gọi các nhà đầu tư dẫn đến quy hoạch treo, không chỉ gây lãng phí, không phát huy được hiệu quả mà nó còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân của Thành phố này. Thứ ba, chúng ta chưa có những đột phá tư duy mà năm 2019 này Thành phố quyết liệt làm.
Ví dụ: chúng ta sẽ phát triển những mục tiêu chiến lược của Thành phố như xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế nhằm khai thác các nguồn lực tài chính của các nước đến giao dịch tại Thành phố; Chúng ta triển khai xây dựng Khu Đô thị sáng tạo để làm thế nào khai thác được nguồn nhân lực của Đại học quốc gia, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và đặc biệt là khai thác được Khu Công nghệ cao quận 9.
Và Đô thị thông minh cũng chính là chúng ta phát triển thế mạnh về đất đai của Thành phố, những Khu Đô thị thông minh, những Khu Đô thị sáng tạo… chắc chắn sẽ là những nguồn lực phát triển tập trung cho việc phát triển dịch vụ và những dịch vụ đảm bảo gắn kết với việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát huy trí tuệ nhân tạo, đưa vào những sản phẩm mới, giá trị mới để phát huy. Và những khu công nghệ cao của Thành phố đã thực hiện tốt sẽ tiếp tục được mở rộng.
VOH: Công tác quy hoạch đô thị dù phát triển theo định hướng nào thì vẫn ưu tiên đến lợi ích, quyền lợi của người dân. Như vậy thì quá trình thực hiện quy hoạch hiện nay có tính toán, phân tích, đánh giá ra sao để đảm bảo đời sống người dân vẫn được duy trì ổn định và tiếp tục có điều kiện để phát triển lên mức tốt hơn?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Chúng ta đều biết rằng một Thành phố, một đất nước nào khi phát triển đều phải quy hoạch; Quy hoạch có tốt hay không thì sẽ quyết định sự phát triển của một đất nước, một Thành phố.
Do vậy, chúng tôi tính toán là phải điều chỉnh quy hoạch để làm thế nào chúng ta khai thác được tối đa tiềm năng thế mạnh của các vùng đất chúng ta quy hoạch. Và đặc biệt, nó đảm bảo được sự phát triển tổng thể đồng bộ, ví dụ như: Phát triển kinh doanh, thương mại, dịch vụ sản xuất thì cũng phải gắn với các hạ tầng xã hội kéo theo… Chúng ta phải gắn với việc xây dựng phát triển giáo dục, y tế và các khu vui chơi giải trí cho người dân Thành phố. Nhưng điều quan trọng mà Thành phố quan tâm nhất trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đó là làm thế nào chúng ta quy hoạch đúng và có nhiều nhà đầu tư đến tham gia đấu thầu, hoặc đấu giá quyền sử dụng đất để khai thác ngay, không để cho người dân đã bị thiệt thòi mà lại còn bị kéo dài.
Tức là người dân Thành phố sẵn sàng chấp nhận việc quy hoạch để phát triển phục vụ cho xã hội, phục vụ cho sự phát triển của đất nước, nhưng quy hoạch này phải được triển khai thực hiện ngay, vì nếu kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, và điều này là một bức xúc lớn không chỉ của người dân Thành phố và còn của cả chính quyền Thành phố.
VOH: Việc thí điểm Nghị quyết 54 cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM của Quốc hội được dự báo sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Xin ông cho biết TPHCM sẽ phát huy nguồn lực này như thế nào để có thể phục vụ cho công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố một cách hiệu quả?
Ông Trần Vĩnh Tuyến: Nghị quyết 54 của Quốc hội, Thành phố đã triển khai ngay hơn 13 Đề án, Nghị quyết để triển khai. Tuy nhiên, thực sự ra Nghị quyết 54 cũng chỉ bắt đầu từ tháng 03 năm 2018 – đến nay gần một năm – chúng tôi thấy rằng cũng chưa có đủ cơ sở nào để đánh giá những hiệu quả này; Ngay cả những vấn đề hết sức cụ thể, ví dụ: Chúng ta có Nghị quyết 03 để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thì hiện nay Nghị quyết này cũng đang được triển khai trên cơ sở đánh giá hiệu quả công tác của từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức.
Hoặc là những Đề án thu phí đậu xe, thu phí nước thải công nghiệp, … Chúng tôi thấy rằng đây là những vấn đề nó tạo ra một cơ chế thu không phải là quan trọng nhất, mà làm thế nào chúng ta điều tiết xã hội. Ví dụ như khi chúng ta thu phí đậu xe thì nhằm mục đích là để con đường được sử dụng chính là giao thông và những hầm xe của các nhà đầu tư triển khai thì có khách đậu xe.
Nếu chúng ta không công bằng trong chuyện này, thì chúng ta khó mời gọi những doanh nghiệp đầu tư hầm xe, bởi vì họ cứ đậu xe ngoài lòng đường với một cái giá chỉ có 5000/lượt/ngày thì không công bằng, và mục tiêu chúng ta không đạt được tức là làm thế nào để lòng đường ngày càng thông thoáng.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng Nghị quyết 54 không chỉ là giúp cho Thành phố có được nguồn ngân sách để chi trả những mục tiêu xã hội khác, mà Nghị quyết 54 còn là một cơ chế để người dân có thể thấy được trách nhiệm của mình trong việc là phải điều tiết, cũng như doanh nghiệp cũng thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng xã hội, đưa những vấn đề giải pháp công nghệ vào xử lý những vấn đề nước thải công nghiệp, chứ không phải là doanh nghiệp chỉ biết kinh doanh lợi nhuận rồi thải là xã hội, thải ra môi trường, ra sông, ra biển những sản phẩm gây độc hại môi trường.
Như vậy, vấn đề chính chúng ta phải nhìn nhận rằng: Năm 2018 này là một thành công trong việc thực hiện Nghị quyết 54 đó là có trên 13 Đề án, Nghị quyết được triển khai. Theo tôi thấy, sự chuyển động này góp phần giúp Thành phố có những bước đột phá và tạo một tiền đề cho năm 2019 sẽ có những đột phá căn cơ hơn.
VOH : Cám ơn ông!