Sống tiếp ước mơ

(VOH) - Chương trình giao lưu gặp mặt chủ đề “Sống tiếp ước mơ” vừa được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào sáng nay 26/8.

Người thân của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ đã có dịp gặp gỡ, chia sẻ những kỷ niệm thời chiến về người chồng, người cha, người em của mình trong chương trình giao lưu gặp mặt chủ đề “Sống tiếp ước mơ” được Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào sáng nay 26/8, nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng 8 (19/8) và Quốc khánh 2/9.

Tham dự buổi giao lưu, bác sĩ Huỳnh Thị Minh Tâm, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Thành phố, con của Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Huê chia sẻ về người mẹ trong ký ức của bà và hành trình trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng.

Sau khi nghỉ hưu, bà đã thành lập Quỹ học bổng Huỳnh Văn Một theo tên cha với mong muốn thực hiện di huấn giúp đời, giúp người của ông. Đến nay, Quỹ đã hỗ trợ hơn 1.000 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM và Long An, Tây Ninh... 

“Hiện nay, quỹ xây dựng Trung tâm Chắp cánh ước mơ, là một ký túc xá hỗ trợ về mặt nơi sinh sống, ăn ở và rèn luyện. Từ tình thương mong muốn các em tiến bộ, tự tin và vững vàng. Các em đừng tự ti về số phận của mình. Số phận của mình là do mình định đoạt cho nên bây giờ phải học. Trước tiên là lo cho mình, xóa đói giảm nghèo, lo cho gia đình và phải biết lo cho xã hội, những người khổ hơn mình, phải biết thương người”, bà Minh Tâm chia sẻ thêm.

Sống tiếp ước mơ
Bốn khách mời giao lưu Sống tiếp ước mơ, thứ 2 từ phải qua: Bà Huỳnh Thị Minh Tâm, bà Đặng Thị Thiệp, ông Bùi Quang Lâm, ông Trần Vũ Bình

Ông Bùi Quang Lâm - người tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, anh trai liệt sĩ Bùi Thanh Tùng, xúc động nhớ lại ước mơ giản đơn của người em một tay nuôi người cháu mồ côi. “Thời đó vào đúng mùa dịch ghẻ mủ ở trẻ con, Tùng đi đạp xe ba gác, ngoài phụ giúp gia đình thì còn lấy tiền đó mua penicillin cho cháu. Trước khi từng đi bộ đội, Tùng nói với mẹ là con chỉ ước mơ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về nhà con tiếp tục đạp xe ba gác mua thuốc cho cháu. Một ước mơ rất giản đơn. Và cuối cùng, em đi mãi mãi”, ông Lâm kể.

Là người từng sống và chiến đấu ở biên giới Tây Nam, từng tham gia nhiều trận đánh vào sinh ra tử và mang trên mình di chứng vết thương, ông nhắn nhủ đến thế hệ trẻ: “Tôi có một điều chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay là phải yêu nước. Đất nước mình, để có được hòa bình, mình phải đi qua một cuộc chiến tranh rất dài. Đất nước này không còn, Tổ quốc này không còn, ta đi về đâu? Bao nhiêu khát vọng, hoài bão sẽ không bao giờ thực hiện được!”.

Qua chia sẻ của những người đã góp phần mang lại hòa bình cho đất nước, Nguyễn Hoàng Phương Trang, Chiến sĩ dân quân tự vệ Quận Bình Thạnh cảm thấy biết ơn trước những đóng góp, hi sinh của cha anh và khẳng định bản thân đang từng ngày phấn đấu để tiếp nối thế hệ người đi trước.

“Tất cả công tác giúp đỡ cho người dân phòng chống dịch tại địa phương mình đều tham gia, một phần là nhiệm vụ, một phần cũng muốn là sức mọn của mình có thể giúp đỡ cho mọi người, những đồng nghiệp, cũng như những người dân đang sống ở tại địa bàn.

Mình sẽ tiếp tục công tác thật là tốt, tiếp tục dùng sức và những sáng tạo của mình để góp phần cho công tác tại địa phương phát triển tốt đẹp hơn và cũng sẽ cố gắng dành thời gian đầu tư cho kiến thức của bản thân để có thể đem lại những thứ tốt nhất cho công việc của mình hiện tại” - Phương Trang chia sẻ thêm.

Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ còn tiếp nhận những hiện vật được trao tặng từ người thân của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Liệt sĩ; Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và những người trực tiếp tham gia tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 năm 2021. Mỗi hiện vật tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động về tình người, những hoài niệm, ký ức về một hành trình đã đi qua.

Sống tiếp ước mơ
Hoa hậu H’Hen Niê tặng hiện vật cho Bảo tàng

Trao tặng áo và quần, đôi dép, thẻ đeo mà mình mang suốt thời gian đi chống dịch cùng với đội nghệ sĩ Nhà văn hóa Thanh niên, Hoa hậu H’Hen Niê cho biết: “Đây là áo mà đối với Hen rất là ý nghĩa. Nếu mình có chuyển nhà hay là dọn đồ có khi mình làm mất nhưng mà mình gửi bảo tàng và mình có cơ hội quay lại bảo tàng thì mình thấy được. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, mình cũng hết mình tham gia chống dịch. Thời điểm đó khó khăn và đáng sợ. Và cái áo đó cũng là một cái kỷ niệm rất là lớn đối với H'Hen, nhắc nhở mình tiếp tục cố gắng để cho những giá trị khác nữa và phải làm sao sống tử tế, sống tốt, sống phải có cống hiến”.

Bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cho biết, các hiện vật được trao tặng sẽ được trưng bày trong chuyên đề “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19”.

Đây cũng là một hoạt động để chúng tôi tri ân những người phụ nữ đã vì dân, vì TPHCM, vì người nghèo mà mở ra một loạt các siêu thị 0 đồng, những trạm gạo ATM và những trạm oxy miễn phí và cũng là dịp để chúng ta thấy rằng trách nhiệm của những người đang sống, chúng ta phải tiếp tục sống và viết tiếp ước mơ của những người đã nằm xuống”, bà Thắm cho hay.