Tại hội nghị “Chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ Quyền trẻ em năm 2020” do Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tổ chức chiều 22/6, nhiều nhà nghiên cứu, nhà báo cho rằng khi viết về trẻ em ngoài việc có cái tâm trong sáng thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan báo chí với các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Chia sẻ thách thức của báo chí trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em hiệu quả, nhà báo Nghi Anh – Báo Phụ nữ TPHCM, nêu lên những khó khăn, trở ngại: cái khó khăn nhất của báo chí là việc kết nối thông tin để có nguồn thông tin chính xác nhất và bảo vệ trẻ em một cách triệt để và không làm tổn thương tới các em và gia đình. "Chúng tôi gặp rất nhiều cản ngại. Đầu tiên là thông tin từ phía công an. Trong quá trình người ta khiếu kiện đến với các cơ quan chức năng thì chỉ có 1 câu trả lời là cơ quan công an đang thụ lý. Như vậy thì trong thời gian đó đứa trẻ này được can thiệp, bảo vệ như thế nào? Có không ít trường hợp sau khi tố cáo xong thì gia đình rơi vào thế cô lập do một số cán bộ cấp cơ sở ngại đưa thông tin cho chúng tôi và quay trở lại trách chính gia đình nạn nhân đó làm cho người ta có cuộc sống khó khăn và nguy cơ từ đối tượng xâm hại đe dọa, dùng tiền bạc để mua chuộc, đề nghị rút đơn bãi nại", nhà báo Nghi Anh cho biết.
Cùng quan điểm với nhà báo Nghi Anh, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng để đẩy mạnh tuyên truyền phải giấu kín thông tin. Để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em thì người đứng đầu phải chịu, tránh tình trạng vì bệnh thành tích mà địa phương không mạnh dạn tố cáo. Do đó, báo chí phải nhấn mạnh địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và để người dân hiểu khi xảy ra vấn đề thì phải tố cáo mạnh mẽ vì im lặng là tội ác.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Công Bình – chuyên gia Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc cho biết: Một bài báo nhỏ có thể ngăn chặn được cả một tội ác to lớn, nhưng chỉ một dòng thông tin, một tấm ảnh nhỏ trên báo chí cũng có thể phá đi cuộc sống yên lành của một đứa trẻ. Do đó, trong bất kỳ tình huống nào, nhà báo phải là người có lương tâm, trách nhiệm với nguồn tin. "Nếu các cơ quan báo đài không chú ý cập nhật các thông tin về bảo đảm sự an toàn, riêng tư cho trẻ em của luật pháp thì vô tình chúng ta gây tổn hại thêm cho trẻ em. Hoặc cách đưa tin mà chú ý đến những chi tiết không cần thiết nhằm gây sự chú ý của mọi người. Trong khi đó, nhiệm vụ của báo chí là làm thế nào để truyền tải sớm đưa vụ việc ra ánh sáng và xử lý các hành vi vi phạm trẻ em. Và làm thế nào để gia đình, trẻ em có được kiến thức và kỹ năng để có thể tự phòng vệ trước các nguy cơ đang diễn ra", ông Bình nói.
n
Ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM trình bày tại hội nghị.
Ông Phạm Đình Nghinh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM bày tỏ mong muốn qua hội nghị này, các nhà báo sẽ tìm hiểu được thêm nhiều thông tin hữu ích và được truyền cảm hứng, động lực trong việc truyền thông cho các vấn đề trẻ em và bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả: "Cơ quan bảo vệ trẻ em có cung cấp thông tin gì thì cũng thông qua cơ quan truyền thông để tuyên truyền rộng rãi đến người dân, trẻ em ở trong cộng đồng để được sâu rộng hơn. Ngược lại, các cơ quan báo chí khi phát hiện vụ việc thì cũng thông tin ngược lại cho cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em để thông tin được đầy đủ, chính xác nhất nhằm có các chương trình can thiệp và hỗ trợ trẻ em một cách toàn diện, đầy đủ và hiệu quả mà không bị tác động tiêu cực đến đời sống riêng tư và gia đình của các em".
Tại hội nghị, các nhà báo, phóng viên đã đưa ra rất nhiều quan điểm xoay quanh cách thức áp dụng quyền trẻ em vào hoạt động báo chí; những khó khăn gặp phải trong quá trình tác nghiệp và một số thắc mắc cần được giải đáp. Có thể thấy, mỗi người đang dần có ý thức và nghiêm túc trong việc thực hiện các nguyên tắc bảo vệ trẻ em. Theo đó, các nhà báo viết về trẻ em cần phải đứng trên cơ sở tiếp cận dựa trên quyền trẻ em, luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ và khuyến khích trẻ tham gia vào những vấn đề liên quan đến trẻ em.