Thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai TP tại cuộc họp báo vào chiều 8/6.
Cụ thể các mức phí mới này đều thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 85/2019 có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, do thực hiện theo chính sách của Bộ Tài chính để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên giai đoạn 2020-2021 TPHCM chưa nâng mức thu.
Đến năm 2022, ngành TN&MT bắt đầu xây dựng đề án thu theo quy định của Bộ Tài chính và được HĐND Thành phố thông qua ngày 18/4/2023, quy định hiệu lực áp dụng từ 1/6/2023.
Về phí đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, mức thu từ 1/6/2023 tăng 20 lần so với trước đây (dao động khoảng 1 triệu đồng/lần, trong khi trước đây là 80.000 đồng/thế chấp, 20.000 đồng/xóa).
Lý giải về mức thu này, Văn phòng Đăng ký đất đai TP cho hay, mức thu trước 1/6/2023 thực hiện theo quy định cũ của Bộ Tài chính là áp theo mức trần của hoạt động thế chấp động sản, chưa phân biệt 2 hoạt động đăng ký động sản và đăng ký bất động sản.
Bộ Tài chính đã sửa đổi điểm bất cập này, quy định mức thu của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm bất động sản tính theo đúng chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quy định, do đó mức thu tăng lên để bảo đảm chi phí này.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP tuần qua. Sở Y tế cho biết về tình trạng cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay.
Về nguồn cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam thông tin, TP đang sử dụng 2 loại thuốc là Immunoglobulin và Phenobarbital (truyền tĩnh mạch). Sau khi ghi nhận tình trạng thiếu thuốc của các đơn vị, Sở đã có công văn báo cáo Cục Quản lý Dược, đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung cấp. Ngày 5/6, Cục đã có công văn hướng dẫn về nguồn cung ứng của hai loại thuốc này.